1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hai “tập đoàn ma” lừa đảo tín dụng ở Việt Nam

Trung tâm Thông tin Tín dụng - CIC (Ngân hàng Nhà nước) vừa công khai danh tính hai trường hợp giả danh các tập đoàn tài chính quốc tế, mời chào giải ngân vốn cho các địa phương. Hai "tập đoàn" này mang tên Palro Inc. của Mỹ và MPM của Australia, theo điều tra đều không tồn tại trên thực tế.

CIC cho biết, từ tháng 4 đến nay, có một nhân vật tên Nguyễn Xuân Tiến tự giới thiệu là Giám đốc Công ty Việt Úc (có trụ sở tại số 4 Tôn Đức Thắng, Hà Nội) và là đại diện của Tập đoàn Palro Inc đến liên hệ với chính quyền một số địa phương như Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... Trong các lần tiếp xúc, ông Tiến đều đề nghị chính quyền địa phương chuẩn bị một số dự án trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục, đường giao thông và hệ thống thủy lợi với cam kết tài trợ của Tập đoàn Palro có giá trị hàng chục triệu đôla Mỹ cho mỗi tỉnh. Theo giới thiệu của cá nhân này thì Palro Inc. là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm có trụ sở tại Mỹ.

 

Một số cá nhân khác lại giới thiệu là đại diện của Công ty phát triển và đầu tư tài chính quốc gia Australia (MPM Developments Pty.Ltd - gọi tắt là MPM) tới trao đổi với một số địa phương, trong đó có Sơn La và cam kết cung cấp các khoản tín dụng lớn tới 100 triệu USD với lãi suất vay ưu đãi để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng công cộng và sau khi thực hiện xong dự án sẽ xóa nợ cho các đơn vị vay 30% tổng số vốn đã vay.

 

Qua điều tra ban đầu của các cơ quan chức năng, CIC cho biết Tập đoàn Palro Inc không tồn tại trên thực tế, không có tên trong niên giám các công ty của Mỹ và chưa xin phép hoạt động tại Việt Nam. Việc một số cá nhân, tổ chức tự giới thiệu là đại diện của Palro Inc đi đến các địa phương để môi giới, hứa hẹn tài trợ các dự án việc trợ nhân đạo có biểu hiện của hành vi lừa đảo. Tương tự như vậy, Công ty MPM không tồn tại trên thực tế và địa chỉ của công ty tại Australia là không có thực.

 

Trao đổi với báo chí về việc ban hành nghị định phòng chống rửa tiền mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy tiết lộ, một số nhân vật nước ngoài cũng tiếp thị những khoản vay hấp dẫn với Ngân hàng Nhà nước. "1998, có một nhân vật người Đức xin mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước. Nếu đồng ý, khoảng 1 tuần sau sẽ có ngay 100 triệu, cho vay trong vòng 30 năm với lãi suất 2%/năm. Mới nghe rất mừng, sau khi điều tra biết đây là kẻ lừa đảo. Nhân vật này sau đó đến xin mở tài khoản tại Deutsche Bank song cũng bị từ chối", ông Thúy kể lại.

 

Cá nhân ông Thúy cũng từng tiếp nhiều nhân vật, có lần do cơ quan bảo vệ dẫn tới, đề nghị cho vay 20 tỷ USD, giải ngân trong vòng 20 năm với lãi suất ưu đãi, nhưng lại xóa nợ sau 17 năm với yêu cầu "lại quả" 5%. Ông Thúy cho biết, một số chi nhánh ngân hàng ở địa phương do không cẩn trọng đã mắc mưu của kẻ lừa đảo. Đơn cử như trường hợp Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Bình Tây từng bị lừa và đặt bút ký tín dụng thư bảo lãnh thanh toán. Sau đó, đơn vị này đã phải tốn một khoản chi phí không nhỏ để gửi thư cho các đại lý của mình trên toàn thế giới, đề nghị không chấp nhận thanh toán thư bảo lãnh đó.

 

Theo kết quả kiểm tra của CIC, tính đến 8/2004, trong số 339 doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có quan hệ, giao dịch, làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ có 74 doanh nghiệp có năng lực tài chính (21,8%), trong khi có tới 198 doanh nghiệp không có năng lực tài chính, môi giới vòng vo, không thu thập được thông tin (chiếm 58,5%) và có 67 doanh nghiệp không xác định được địa chỉ, có dấu hiệu lừa đảo (19,7%).

 

Hiện CIC đã tiếp nhận trên 600 “đơn đặt hàng” từ các doanh nghiệp, tổ chức trong nước yêu cầu xác minh các đối tác của mình trước khi đi đến các quyết định hợp tác kinh doanh.

Theo Vneconomy

Theo Song Linh
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm