Hải sản miền Trung: Lại điệp khúc được mùa, rớt giá
Đang chính vụ khai thác, nhưng không khó để bắt gặp cảnh tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung nằm bờ san sát. Nhiều đội tàu thiếu bạn thuyền hàng tháng trời vì chi phí không bù lỗ nổi. Dẫu đánh bắt được nhiều, nhưng giá hải sản rớt mạnh.
Giá rớt quá, giờ vẫn phải đi để duy trì không khí. Tui cũng oải lắm rồi, làm mà không thấy đồng lãi”, ngư phủ Trương Văn Hay (thuyền trưởng tàu ĐNa 90235), người được xem là “mắn” cá nhất Đà Nẵng, nói.
“Đủ tổn là mừng”
Thuyền trưởng Đào Ngọc Minh Tâm (tàu ĐNa 90369, Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa mới trở về từ Hoàng Sa, sau chuyến đi 20 ngày mang về gần 20 tấn cá ngừ sọc dưa, vẫn buồn thiu: “Năm nay trúng, tàu nào trở về cũng ăm ắp cá. Nhưng được thế thôi, bán ra oải lắm, không lời, thậm chí lỗ”. Anh Tâm cho hay, lời lỗ gì thì chủ tàu, thuyền trưởng cũng phải gánh phần nhiều.
“Thiếu tiền ra khơi có tụi tui lo, mất tàu bè, bạn thuyền bị thương, tai nạn rủi ro cũng tụi này hỗ trợ. Khi nào cần tiền tươi, ngư dân hô phát là có liền, không giấy tờ, không thủ tục. Vậy ngư dân bán cá cho tụi tui không giảm xuống ít nhất 5% coi sao được. Có nhà nước nào nói vay buổi tối sáng mai có tiền liền cho họ đóng tàu, đi biển ngay không ?” - Minh, một chủ nậu ở cảng cá Thọ Quang
Cảng cá Thọ Quang những ngày này nhộn nhịp hơn thường lệ vì ngư dân cho tàu vào kết thúc vụ đánh bắt trước ngày lễ Tết Độc lập.
Anh Trần Văn Giảng (chủ một tàu cá ở Quảng Ngãi), không mấy vui vẻ: “Được 13 tấn cá ngừ sọc dưa, bán 20 – 25 ngàn đồng/kg. Tính chi phí chuyến đi (khoảng 150 triệu), trả công lao động. Cuối cùng mình chả còn bao nhiêu.
Mấy tháng trước, cá nhập cho nậu trên 30 ngàn/kg mới có lãi. Giờ rớt thê thảm quá. Thôi thì mong đủ tổn (chi phí) là mừng rồi”.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh (thôn Đông xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, sau 4 chuyến biển từ đầu năm đến nay, chỉ 1 chuyến có lãi, tuy sản lượng khai thác cao nhưng vẫn thua lỗ nặng, bởi cá liên tục rớt giá, nên đành cho tàu nằm bờ. “Trung bình mỗi chuyến biển tại Hoàng Sa, tàu của tôi khai thác được 15-17 tấn cá, với giá bán khoảng trên 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu. Nhưng nay giá cá chỉ dao động 32-35 ngàn đồng/kg, mà đó là loại cá ngon, trừ phí tổn mỗi lao động cho thu nhập chỉ 1-2 triệu đồng, trong khi thời gian bám biển khoảng 20-25 ngày”, anh Khánh nói.
Theo anh Khánh, hiện giá cá đều giảm từ 20- 30% so với cùng kỳ mọi năm, đặc biệt có loại giảm tới 30-40% so với những phiên biển trước. Đơn cử như cá đỏ (chàm mắt đỏ) giá đầu năm trên 45 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 30 ngàn đồng/kg. Thuyền trưởng Dương Minh Thạnh (thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) - chủ tàu cá QNg 96059, cho hay, chuyến biển vừa rồi, dẫu bán được 300 triệu tiền cá nhưng anh phải muối mặt khất nợ bạn thuyền vì không đủ tổn.
“Cùng mùa này năm ngoái, nếu chuyến biển 13 tấn cá của tôi cho 500 triệu thì nay chỉ còn gần 300 triệu. Mà giá cả cái gì cũng tăng”, thuyền trưởng Thạnh nói.
Tư thương o ép, cơ chế còn xa
Chủ một tàu cá Quảng Ngãi, anh Trần Văn Giảng cho hay, câu chuyện anh bán 1kg cá ngư sọc dưa giá 20 – 25 ngàn cho nậu, nhưng chỉ chưa đầy “3 nốt nhạc” sau, cũng kg cá đó, nậu đẩy cho các mối với giá 30 ngàn, thậm chí 35 ngàn/kg.
“Biết thế nhưng chịu. Khi xuất bến, mua chịu của nậu xăng dầu, đá, thực phẩm… nên về không bán đâu được”. Anh Giảng kể, trước đây, một số ngư dân thấy nậu mua giá rẻ quá, lén chở về quê hoặc tìm nơi khác. Trót lọt được một lần nhưng lần sau thì khóc ròng. “Họ không lấy nữa, tiền không cho vay, cá về để đó ươn phềnh ra. Lạy sống nậu, hứa không tái phạm mới được tha”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại âu thuyền Thọ Quang, hiện có đến vài chục đầu nậu hoạt động hơn chục năm nay. Mỗi đầu nậu thường thiết lập cho mình từ 5-7 tàu, có nậu thâu tóm cả chục chiếc và sẵn sàng cùng lúc cho mỗi tàu vay hoặc mua chịu vật tư, xăng dầu lên đến cả trăm triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chất lượng sản phẩm cùng cơ chế cho hải sản chính là đất sống màu mỡ của nậu. “Ngư dân đánh bắt trở về, nếu bán sản phẩm cho các nhà máy thì phải mất 7-10 ngày mới nhận tiền, còn bán cho tư thương hoặc đầu nậu lại nhận tiền tươi”. Theo ông Lĩnh, cần phải nâng cấp đội ngũ tàu thuyền, phương tiện đánh bắt, hầm bảo quản sản phẩm… thì lúc đó, ngư dân mới yên tâm nhập hàng cho các nhà máy.
“Nhà nước phải có cơ chế riêng để có các dịch vụ cung cấp vốn, hậu cần cho ngư dân hoặc ngư dân phải hình thành các hợp tác xã để có thể vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tại các cảng cá phải có những kho đông lạnh, có tổ chức đứng ra thu mua, phân loại sau đó đem đấu giá... Việc hỗ trợ ngư dân không chỉ là cho vay vốn ưu đãi để đóng tàu mà còn phải được cung ứng các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ bao tiêu sản phẩm một cách bài bản. Đặc biệt họ phải được trang bị những kỹ thuật, các mô hình khai thác hiệu quả, như vậy họ mới có thể bám biển, sống được với nghề”, ông Lĩnh nói.
Theo Nam Cường - Anh Thư
Người Lao động