Hải quan "siết" kiểm tra việc nhập thiết bị vệ sinh “siêu rẻ” từ Trung Quốc
(Dân trí) - Thiết bị vệ sinh giá rẻ được nhập số lượng lớn về Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp trong nước lao đao. Lực lượng hải quan đã “lên tiếng” về vấn đề này và cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa đối với các thiết bị vệ sinh nhập khẩu.
Ngày 29/10, Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này đã nhận được chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa đối với các thiết bị vệ sinh nhập khẩu.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã nhận được đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thiết bị vệ sinh nói chung, đặc biệt sản phẩm sứ vệ sinh từ Trung Quốc nói riêng với số lượng lớn và trị giá rất thấp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Tại TPHCM, thiết bị vệ sinh Trung Quốc được bán khắp nơi như trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Võ Văn Kiệt (quận 5), đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12)…
Một chiếc bồn cầu được nhập từ Trung Quốc có giá bán chỉ có giá từ 500.000 – 800.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, một chiếc bồn cầu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng có giá trên dưới 2 triệu đồng.
Chậu rửa mặt (Lavabo) có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ có giá từ 160.000 – 260.000 đồng/chiếc, trong khi một sản phẩm tương tự của Việt Nam phải có giá trên dưới 500.000 đồng. Nhiều sản phẩm thiết bị vệ sinh khác của Trung Quốc cũng có giá rẻ bằng 1/3 các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Bồn cầu có xuất xứ từ Trung Quốc có giá chỉ từ 500.000 - 800.000 đồng/chiếc.
Chính vì mức giá “siêu rẻ” nói trên nên lực lượng hải quan sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa đối với các thiết bị vệ sinh nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện các nội dung sau:
Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018), Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương…Và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
“Trường hợp lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế, khi kiểm tra, công chức hải quan lưu ý kiểm tra, đối chiếu thông tin về: tên hàng, chất lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan với bộ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hóa đơn thương mại,...)", Tổng cục Hải quan chỉ đạo.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trường hợp phát hiện người khai hải quan khai tên hàng hóa, xuất, xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phù hợp với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, không phù hợp với thông tin về hàng hóa đã khai trên C/O; các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp thì xử lý theo quy định hiện hành.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, trường hợp có cơ sở nghi ngờ người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa không chính xác hoặc có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành xác minh tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc kiểm tra cơ sở sản xuất để xác định xuất xứ, nơi sản xuất của hàng hóa theo quy định. Trường hợp cần thiết thì tổng hợp, báo cáo và gửi kèm toàn bộ hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) để có hướng dẫn xử lý.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa tại cửa khẩu. Trong quá trình giám sát hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu nếu phát hiện hàng hóa không có nhãn mác, xuất xứ hoặc có nghi ngờ gian lận về số lượng, chủng loại, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa thì thực hiện kiểm tra thực tế ngay tại cửa khẩu và chuyển thông tin cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để xử lý theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, nhãn hiệu, số lượng thì thiết lập tiêu chí, đưa vào diện có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp, đồng thời tiến hành kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Đại Việt