Hai phương án đánh thuế trên sàn vàng

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng và đại diện một số sàn giao dịch vàng ngày 15/12, các chuyên gia đã đề xuất 2 phương án đánh thuế đối với sàn giao dịch vàng.

Hai phương án đánh thuế trên sàn vàng - 1
Hiện mỗi sàn vàng lại có quy chế điều chỉnh giá riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
 
Ngày 15/12, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã làm việc với các cơ quan chức năng và một số đại diện sàn giao dịch vàng về vấn đề áp dụng chính sách thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch vàng.

Các sàn giao dịch vàng tại Việt Nam ra đời chưa lâu nhưng đã trở thành một sân chơi hấp dẫn đối với nhiều người dân. Dù đang thực hiện các kê khai nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng các sàn giao dịch vàng lại chưa chịu sự quản lý của cơ một cơ quan chức năng nào cả và các đối tượng cá nhân đang kinh doanh vàng trên sàn này chưa phải chịu thuế.

Chưa có đơn vị đứng ra làm đầu mối quản lý, cũng như hành lang pháp lý, các sàn giao dịch vàng ra đời do tự phát đã không ít lần gây ra những xáo trộn đối với kênh đầu tư này.

Do đó, để có phương án đánh thuế trên sàn giao dịch vàng, một số đại diện cho biết: Cơ quan thuế cần xác định vàng là hàng hoá hay tiền tệ; ứng với mỗi quan điểm đó là đánh thuế trên thu nhập hay trên doanh số.

Nếu áp dụng như quản lý thuế trong chuyển nhượng chứng khoán, việc đánh thuế sẽ thực hiện khấu trừ tại nguồn đã được quy định tại Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).

Theo đề xuất của các chuyên gia tham dự hội thảo, đánh thuế đối với giao dịch trên sàn vàng có thể xét theo hai phương án. Phương án 1, nhà đầu tư tạm nộp 0,002% trên giá chuyển nhượng từng lần phát sinh giao dịch khớp lệnh bán ở trạng thái vàng dương và khớp lệnh mua ở trạng thái vàng âm (bán khống), không phân biệt giao dịch lời hay lỗ.

Cuối năm, nhà đầu tư quyết toán thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Với phương án này, các công ty tổ chức sàn giao dịch chịu trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của nhà đầu tư và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Phương án 2, trường hợp sàn vàng hạch toán được lỗ lãi, mỗi lần giao dịch của nhà đầu tư đều tạm nộp 20% thuế TNCN trên thu nhập phát sinh (giao dịch sinh lời) đối với trường hợp khớp lệnh bán vàng ở trạng thái vàng dương và khớp lệnh ở trạng thái vàng âm.

Trường hợp sàn giao dịch vàng không xác định được giao dịch lãi, lỗ của nhà đầu tư thì tạm nộp 0,1% trên giá khớp lệnh (chưa trừ các khoản chi phí). Cuối năm, nhà đầu tư quyết toán theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.

Được biết, sau cuộc họp bàn của Vụ Chính sách thuế ngày 15/12, cơ quan này sẽ tổng kết xây dựng đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính về chính sách thuế và công tác quản lý thu thuế đối với giao dịch trên sàn vàng.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Chủ trương của NHNN là không khuyến khích hoạt động này.

NHNN đã trình Chính phủ 2 phương án: chấm dứt hoạt động của các sàn vàng hoặc là tiếp tục cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước một cách chặt chẽ, trong đó mức ký quỹ dự kiến có thể lên đến 100%.

Hiện nay, ngoài các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác cũng đang thực hiện cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản cho các nhà đầu tư. Do đó, để thống nhất hướng xử lý đối với hoạt động kinh doanh này, cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Theo tôi, trong trường hợp cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước của cá nhân, cần phải quản lý rất chặt chẽ, như tỷ lệ ký quỹ, thuế suất, quy mô giao dịch...

Ngoài ra, chỉ có các ngân hàng thương mại mới được phép cung ứng dịch vụ này. Vì đây là các tổ chức có khả năng cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho các nhà đầu tư như mở tài khoản, thanh toán và quan trọng hơn là có khả năng quản lý các rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”, ông Huy nhấn mạnh.

An Hạ