Bất ngờ phương án dừng hoạt động sàn vàng

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đã trình Chính phủ 2 phương án xử lý sàn vàng: cho dừng hoạt động hoặc là nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%. Nhiều công ty kinh doanh vàng hoàn toàn bất ngờ trước tuyên bố này.

Bất ngờ phương án dừng hoạt động sàn vàng - 1
Có thể sẽ dừng hoạt động của sàn vàng.

Biện pháp bất ngờ

Trước đó, tháng 10/2008, Ngân hàng nhà nước đã thành lập tổ liên ngành để xây dựng dự thảo quản lý sàn vàng. Trong hơn 1 năm, đã có 11 dự thảo ra đời, đưa ra các quy định, các điều khoản để có thể quản lý sàn vàng một cách quy củ mà vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Lộ trình xây dựng các dự thảo cũng được thực hiện chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi của các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng, hiệp hội kinh doanh vàng và các bộ ngành có liên quan.

Đến tháng 8 vừa qua, theo dự thảo 10, dự thảo duy nhất được công bố rộng rãi thì chỉ có các ngân hàng thương mại mới được mở sàn vàng, đồng thời quy định tỷ lệ ký quỹ là 15%. Như vậy, mặc nhiên các công ty kinh doanh sàn vàng không trực thuộc ngân hàng sẽ phải đóng cửa.

Lý do mà Ngân hàng nhà nước đưa ra là để nhà đầu tư tránh được các rủi ro do tiềm lực tài chính của công ty kinh doanh sàn vàng không mạnh bằng các ngân hàng. Trả lời báo chí, Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ trình Chính phủ dự thảo này.

Tuy nhiên, sau đó, dự thảo thứ 11 ra đời, bớt khắt khe hơn so với dự thảo 10, trong đó quy định tỷ lệ ký quỹ chỉ còn 10% và các công ty liên kết với các ngân hàng cũng được hoạt động kinh doanh sàn vàng.

Dự thảo này nhận được sự đồng tình của nhiều luồng ý kiến khác nhau, từ hiệp hội kinh doanh vàng, hội đồng vàng thế giới cho đến các ngân hàng, nhà đầu tư… Thế nhưng, Ngân hàng nhà nước đã không trình Chính phủ dự thảo này.

Cơ hội cho tiệm vàng

Theo một chuyên gia, qua việc đề xuất phương án như trên cho thấy có nhiều bất cập trong việc đưa ra chính sách và thực thi chính sách của Ngân hàng nhà nước. Bởi, cách làm đó giống như "quản không được thì cấm". Mặt khác, cấm sàn vàng vẫn chưa cho thấy đã quản lý được hoạt động đầu tư vàng, do vẫn còn các tiệm vàng nằm ngoài sự quản lý có cơ hội để hoạt động mạnh hơn.

Hiện nay, có nhiều tiệm vàng tham gia đầu tư vàng tài khoản tại nước ngoài. Những hình thức đầu tư này là vi phạm pháp luật, nhưng do quản lý lỏng lẻo nên họ vẫn hoạt động bình thường. Khi đầu tư tại đây, nhà đầu tư có thể mở tài khoản trực tiếp từ nước ngoài hoặc mở tại Việt Nam.

Thủ tục khá đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần bảng sao hộ chiếu, chứng minh nhân dân kèm theo hóa đơn của bất cứ một dịch vụ nào trong nước để chứng tỏ sự tồn tại của mình và gửi cho nhà cung cấp dịch vụ là có thể tiến hành giao dịch.

Một hình thức khác là ký quỹ giao dịch vàng vật chất tại các tiệm vàng. Với hình thức này, nhà đầu tư đặt tiền cọc mua vàng buổi sáng, nhưng chỉ lấy biên nhận. Đến một thời điểm mà 2 bên thỏa thuận, nhà đầu tư sẽ đến tiệm vàng; nếu giá lên, nhà đầu tư bán ra, thu về lợi nhuận và trả một số tiền lãi cho tiệm vàng, còn nếu giá xuống, nhà đầu tư sẽ đóng thêm tiền cho tiệm vàng.

Việc ra đời của các sàn vàng đã đưa hoạt động này đi vào nề nếp vì nhà đầu tư có thể tham gia các sàn vàng mà không phải mua bán với các tiệm vàng, nên độ rủi ro cũng giảm đi nhiều.

Với phương án nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%, nhà đầu tư khó có thể tham gia đầu tư, bởi đặc điểm của loại hình này là sử dụng đòn bẩy tài chính, tức sử dụng một phần vốn vay để đầu tư. Việc nhà đầu tư khó thể tham gia cũng có nghĩa là các sàn vàng sẽ không tìm đâu ra được khách hàng, kết cục cũng sẽ như phương án một, tức đóng cửa sàn vàng.
 

Nhà đầu tư lo ngại

Theo chị Kiều, nhà đầu tư vàng trên sàn nhiều năm nay thì việc đóng cửa các sàn vàng không phải là một giải pháp hay vì việc kinh doanh vàng tài khoản cũng là một lựa chọn đầu tư. Việc ký quỹ ở mức vừa phải sẽ tạo điều kiện cho nhiều người tham gia, còn nếu áp dụng phương án ký quỹ 100% sẽ đẩy nhà đầu tư vào thế khó, không còn được vay, có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu, không còn hấp dẫn. Và chị cho biết nếu quy định này được thi hành thì chị sẽ bỏ sàn.

Chị cũng cho rằng Chính phủ nên tăng cường quản lý, hạn chế dao động lên xuống của giá vàng trên sàn trong một biên độ nhất định để hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư thay vì áp dụng các biện pháp trên.

Trong khi đó, anh Bình, một nhà đầu tư khác, cho biết anh đang phân vân. "Nếu 1 trong 2 phương án trên được thực hiện, tôi sẽ không thể tiếp tục đầu tư vàng trên tài khoản, mà cũng khó chuyển sang đầu tư vàng vật chất vì giá hiện nay đã khá cao", anh Bình nói.

Theo Thanh Thương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn