Hải Phòng trong nhóm "đội sổ" về tiếp cận đất đai

(Dân trí) - Cùng với Hải Phòng, các địa phương khác là Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên và Tuyên Quang cũng nằm trong nhóm cuối bảng về tiếp cận đất đai, 1 trong 9 tiêu chí cấu thành chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh.

Hải Phòng trong nhóm "đội sổ" về tiếp cận đất đai - 1
Việc tiếp cận đất đai khó khăn, không minh bạch sẽ làm giảm đầu tư trong nước trong tương lai gần.

Theo kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 23/2, Hải Phòng bị xếp nằm trong nhóm những địa phương đứng cuối về chỉ số tiếp cận đất đai mặc dù tổng quan vẫn ở thứ hạng 45/63 tỉnh thành của cả nước.

Theo đó, tại chỉ số này, Hải Phòng chỉ được chấm 4,48 điểm, nhỉnh hơn chút ít so với điểm số của địa phương “đội sổ” là Thừa Thiên- Huế với 4,34 điểm. Dẫn đầu về chỉ tiêu này là Long An, được chấm 8,37 điểm.

Bên cạnh Thừa Thiên Huế và Hải Phòng, những địa phương sau cũng nằm trong nhóm các tỉnh “đội sổ” ở chỉ số này, bao gồm Hà Nội (4,94 điểm), Thái Nguyên (4,91 điểm) và Tuyên Quang (4,44 điểm).

Chỉ số này được xây dựng dựa trên bốn tiêu chí: Tỷ lệ doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đánh giá rủi ro bị chính quyền thu hồi mảnh đất mà doanh nghiệp đang sử dụng với điểm số 5 là thể hiện mức rủi ro nhất, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng rằng sau khi đất bị thu hồi sẽ được đề bù thỏa đáng và cuối cùng là tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khung giá đất của chính quyền tỉnh đưa ra phản ánh đúng mức giá thực tế trên thị trường.

Báo cáo năm nay của nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát cho thấy, “mặc dù có sự cải thiện về khả năng tiếp cận đất đai và rủi ro thu hồi, nhưng sự cải thiện một cách hạn chế về mức đền bù thỏa đáng và định giá thị trường sẽ làm giảm đầu tư trong nước trong tương lai gần”.

Cụ thể, tâm lý e ngại sự bồi thường không thỏa đáng sẽ khiến các doanh nghiệp không có ý định đầu tư lớn vào tài sản của họ vì e ngại rằng họ sẽ mất một phần giá trị đáng kể do những thay đổi về quy hoạch và cơ sở hạ tầng trong tỉnh.

Trong khi đó, điều này lại tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư “quen biết”, “gần gũi” với lãnh đạo địa phương có được thông tin bên trong về các kế hoạch sử dụng đất và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư muốn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm thế chấp để huy động vốn có khả năng sẽ nhận được các khoản vay ít hơn nhu cầu, vì khung giá không phản ánh đúng giá trị thực của tài sản.

Khả năng tiếp cận đất đai là một trong 9 yếu tố để đánh giá về năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành trong cả nước.

Việc xây dựng chỉ số PCI năm nay dựa trên khảo sát gần 7.000 doanh nghiệp ở cả 63 tỉnh và thành phố. Báo cáo được thực hiện thông qua quá trình phân tích cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh ở góc độ tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực cải cách hành chính và điều hành kinh tế theo hướng hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Bích Diệp