Hai nghịch lý trần lãi suất VND

Trần lãi suất VND của các ngân hàng thương mại hiện đang chứa đựng các nghịch lý, trong đó có hai nghịch lý nổi bật.

Thứ nhất, chỉ có trần lãi suất huy động mà không có trần lãi suất cho vay. Trần lãi suất huy động mới được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 12%/năm cách đây một tháng. Khoan hãy bàn đến mức trần lãi suất cao hay thấp, việc khống chế trần lãi suất vào lúc đó là rất cần thiết để ngăn chặn cuộc đua lãi suất diễn ra hàng ngày, hàng giờ và không biết đến lúc nào mới dứt.

Cuộc đua lãi suất này, tuy cũng có tác dụng hút tiền từ lưu thông về, song lại có tác động gây ra tình trạng người gửi rút tiền từ ngân hàng, từ kỳ hạn có lãi suất thấp hơn để chuyển sang gửi ở ngân hàng, ở kỳ hạn có lãi suất cao hơn.

Ngay việc hút tiền từ lưu thông về cũng không hoàn toàn để kiềm chế lạm phát, mà có phần do một số ngân hàng thương mại đã chạy theo tăng trưởng tín dụng, nới lỏng điều kiện cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao, như bất động sản, chứng khoán... nên khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc, để hút tiền từ lưu thông về, hãm bớt tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay, thì các ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản phải tăng mạnh lãi suất huy động.

Khống chế trần lãi suất huy động nhưng lại không khống chế trần lãi suất cho vay có thể có những lý do chưa được nói ra, nhưng dư luận có quyền thắc mắc, nghi ngờ về sự đối xử chưa được công bằng giữa ngân hàng, người gửi tiền và người vay tiền, nghi ngờ về sự "nuông chiều" của Ngân hàng Nhà nước đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mà mình có trách nhiệm quản lý nhà nước, còn người gửi tiền và người vay tiền - khách hàng, mà khách hàng trong cơ chế thị trường đều được các ngân hàng thương mại cũng là các doanh nghiệp tôn vinh là "thượng đế" của mình. Đó là chưa nói trong dư luận đã có ý kiến nói rằng đây là sự liên kết độc quyền.

Thứ hai, trong khi trong công văn 319, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bảo đảm lãi suất thực dương, trong khi gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra thông điệp coi việc kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay, có nghĩa là không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ cuối năm 2007 mà phải tập trung sức để kiềm chế bằng được lạm phát, phấn đấu bảo đảm tốc độ tăng giá giảm dần.

Để kiềm chế lạm phát, trong các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì giải pháp đầu tiên là thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Thắt chặt tiền tệ được hiểu theo hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng.

Nghĩa thứ hai là hút mạnh tiền từ lưu thông về. Theo nghĩa thứ hai này, muốn hút tiền từ lưu thông về thì phải tăng lãi suất huy động để bảo đảm cho lãi suất thực dương. Muốn biết lãi suất huy động có thực dương hay không, thì phải so lãi suất huy động với tốc độ tăng giá tiêu dùng: nếu lãi suất huy động thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng thì lãi suất sẽ bị thực âm và sẽ không có sức hấp dẫn tiền từ lưu thông chảy vào ngân hàng; còn nếu lãi suất huy động cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng thì lãi suất sẽ là thực dương và sẽ có sức hút tiền từ lưu thông chảy vào ngân hàng.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng sau 3 tháng (tức là tháng 3/2008 so với tháng 12/2007), giá tiêu dùng đã tăng 9,19%; còn nếu tính theo năm (tức là so với cùng kỳ năm trước) thì ba tháng năm nay so với ba tháng cùng kỳ năm trước đã tăng 16,38%. Tổ Điều hành thị trường trong nước dự đoán giá tiêu dùng tháng 4 tăng 1,5%. Nếu dự đoán này là đúng thì sau 4 tháng sẽ tăng 10,83% và tháng 4/2008 sẽ tăng tới 20,59% và bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng 17,4%.

Theo dự đoán của các chuyên gia, tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nếu tính bằng cách so tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 sẽ tăng không dưới 13%, ADB dự đoán tăng 15,6%, nếu tính bằng cách bình quân năm 2008 so với năm 2007 thì còn tăng cao hơn.

Giả sử có 100 triệu đồng (tạm tính lãi suất 1%/tháng, 3 tháng thành 3%), trong đó vốn 100 triệu đồng, lãi danh nghĩa là 3 triệu đồng. Nhưng để biết được lãi suất thực là bao nhiêu tức là tính theo giá cuối tháng 12/2007, thì còn phải chia tổng số tiền lĩnh được cho chỉ số giá trong thời gian tương ứng, tức là lấy 103 triệu đồng chia cho 109,19%, khi đó tính theo giá cuối tháng 12/2007 thì chỉ còn 94,33 triệu đồng, tức là bị lỗ 5,67 triệu đồng (lấy 100 triệu đồng trừ đi 94,33 triệu đồng). Một số ý kiến cho rằng, lãi suất thực dương phải xét trong thời gian dài hơn.

Nếu vậy, giả sử gửi 100 triệu đồng cuối tháng 12/2007, đến cuối tháng 12/2008 rút ra, với lãi suất cũ rút ra được 112 triệu đồng, với lãi suất mới rút ra được 111 triệu đồng. Nếu tốc độ tăng giá như ADB dự đoán (15,6%), thì số tiền đó tính theo giá cuối năm 2007 chỉ còn 96-97 triệu đồng, tức là bị lỗ 3-4 triệu đồng.

Tình hình này sẽ dẫn đến hai động thái đối với tiền tiết kiệm. Những người có tiền đang gửi tiết kiệm sẽ chờ đến lúc đáo hạn để rút ra đầu tư vào kênh khác có lãi suất hấp dẫn hơn. Những người có tiền thì sẽ không muốn gửi vào các ngân hàng nữa. Dù động thái nào thì cũng sẽ lại đầu tư vào các thị trường nóng, dễ tạo ra bong bóng.

Đó là chưa nói, trong dư luận đã có ý kiến là các ngân hàng thương mại đã không thực hiện và làm ngược ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. 

Theo Dương Ngọc
VnEconomy