1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

HACCP còn xa lạ với nhiều DN thực phẩm

(Dân trí) - Chắc hẳn các doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào nhận ra những đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn hàng hoá. Tuy nhiên, đến giờ phút này những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế quan trọng như HACCP…vẫn còn xa lạ với các DN sản xuất chế biến thực phẩm.

"Giấy thông hành" của hàng thực phẩm

Hiện trên thế giới đang tồn tại nhiều lý thuyết về hệ thống quản lý chất lượng như: TQM của Nhật Bản, HACCP của Mỹ…trong đó HACCP được coi là hệ thống đặc thù nhất cho ngành thực phẩm. Nó trở thành một yêu cầu quan trọng của hầu hết các thị trường nhập khẩu “khó tính” và yêu cầu bắt buộc đối với các nước thành viên của WTO.

Hiện nay, một số DN Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 hoặc song song áp dụng cả hai hệ thống trên, phần lớn DN còn lại mới chỉ áp dụng các yêu cầu về vệ sinh tốt (GHP), sản xuất tốt (GMP), tiến tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn HACCP theo tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 5603:1998.

Nhưng TCVN 5603:1998 là Quy phạm thực hành của Bộ KHCN chứ không phải tiêu chuẩn HACCP theo hướng dẫn của CODEX.

Về cơ bản, HACCP có nhiều điểm gần giống với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000.

Ông Trần Văn Vinh - Giám đốc trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, Bộ KHCN - cho biết: “Tiêu chuẩn ISO 9000 là hệ thống quản lý chất lượng tổng thể mà trong đó có yêu cầu về an toàn thực phẩm. Còn HACCP là hệ thống chuyên sâu và đặc thù cho ngành thực phẩm”.

Theo ông Vinh, đây là điểm dễ gây nhầm lẫn cho các DN trong việc lựa chọn tiêu chuẩn ISO hay HACCP. Thực tế, ISO 9000 vẫn có thể chấp nhận được, song phù hợp hơn và đúng thông lệ quốc tế thì các DN thực phẩm nên áp dụng tiêu chuẩn HACCP.

Chứng nhận hợp chuẩn HACCP là “giấy thông hành” của sản phẩm thực phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho DN, giúp thiết lập thị trường thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhưng các DN sản xuất, chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn đứng “ngoài cuộc” với khoảng 50 DN, chủ yếu là DN chế biến thuỷ sản xuất khẩu áp dụng thành công và đã được cấp chứng nhận HACCP.

Ngoài ra, cũng chỉ khoảng 100 DN được cấp chứng nhận phù hợp các yêu cầu GMP, GHP, nhưng cũng chỉ bó hẹp trong các DN sản xuất dược phẩm.

Tiêu chuẩn Mỹ khó áp dụng ở Việt

Nguyên nhân của tình trạng này, ông Vinh cho rằng, HACCP thâm nhập vào nước ta chưa lâu, còn khá mới mẻ không chỉ với các DN mà cả những người làm công tác quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, nhận thức về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến này của các DN còn rất hạn chế và sai lệch. Không ít DN bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ để có được chứng nhận “giấy thông hành”, nhưng chỉ coi đó như là “đồ trang sức”.

Đồng quan điểm này, ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế) - cho rằng, nguyên nhân đến từ hai phía: DN chưa chủ động tìm kiếm, áp dụng còn cơ quan Nhà nước, chưa “làm tròn trách nhiệm”. Hiện nay ở nước ta có nhiều tổ chức chứng nhận, nhưng hoạt động không lành mạnh, tranh giành khách gây nên tình trạng cấp chứng chỉ không đúng với bản chất của các hệ thống quản lý chất lượng mà DN đang áp dụng.

Đóng góp thêm vào sự “chậm trễ” áp dụng HACCP cần phải kể đến lực lượng làm tư vấn vừa yếu vừa thiếu và không chuyên nghiệp. Chúng ta chưa có một tổ chức đầu mối quản lý chung, do đó, việc áp dụng HACCP vốn đã chậm lại càng thêm rối ren, khó quản lý.

Để hỗ trợ các DN chế biến thực phẩm áp dụng HACCP, theo ông Vinh, trước hết phải có hệ thống các quy định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, cần có ngay một cơ quan quản lý chung, giữ vai trò định hướng, có thể là một Hiệp hội các nhà tư vấn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tư vấn, tận dụng tối đa nguồn nhân lực từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức chuyên môn, nhất là từ các viện nghiên cứu cũng như lực lượng kỹ thuật của các DN. Tiến tới đưa tư vấn HACCP thành một nghề kinh doanh có điều kiện.

Phương Thảo