1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hạ tầng giao thông “níu chân” kinh tế ĐBSCL

(Dân trí) - Hạ tầng giao thông yếu kém là một trong những nguyên nhân kiềm chế tốc độ phát triển của ĐBSCL. Việc hàng hóa phải đi vòng và ách tắc nhiều nơi chính là hạn chế lớn của khu vực nhiều tiềm năng kinh tế này.

Từ ngày 3-12/7/2008, tại TP Cần Thơ, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (gọi tắt MDEC) có sự tham gia của tất cả các lãnh đạo bộ, ngành và các địa phương đã khai mạc với Hội nghị Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Giao thông thuỷ: “Nghẽn”!

Hiện ĐBSCL chưa có tuyến đường sắt nên giao thông thuỷ đóng vai trò then chốt trong việc vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy kinh tế xã hội. ĐBSCL hiện có hệ thống đường bộ dài khoảng 27.899 km và hệ thống đường thuỷ với 700 km đường biển, 10.000 km kênh, rạch (trong đó tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia là 2.857km).

Với đặc trưng sông nước, hàng năm khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ chiếm đến 70% tổng khối lương hàng hoá của khu vực. Tuy nhiên, một thực tế hiện ĐBSCL đang phải đối mặt là sự quá tải về đường thuỷ.

Điển hình là kênh Chợ Gạo, tuyến đường sông duy nhất hiện nay mà các phương tiện thuỷ từ ĐBSCL lên TPHCM và ngược lại phải đi qua, hiện đã quá tải, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đầu tư kinh phí.

Trong khi đó ĐBSCL có tới 9 nhánh sông lớn nhưng chỉ khai thác được cửa luồng Định An nhưng nhiều năm qua trước sự bồi lắng phù sa, cửa Định An bị cạn nên các tàu hàng hải lớn không vào được.

Các đại biểu tham gia hội nghị “Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL” đều thừa nhận chưa có địa phương nào hàng năm bỏ kinh phí tu sửa, nạo vét những tuyến giao thông thuỷ trên địa bàn mình quản lý để phát triển tương xứng.

Ông Sỹ Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục đường sông Việt Nam đưa ra số liệu: Trong 10 năm qua, kinh phí đầu tư cho giao thông thuỷ chỉ có 300 tỷ đồng. Và đến thời điểm này chỉ có 2 dự án (vốn ODA) với số vốn là 84, 812 triệu USD và 312,02 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực giao thông thuỷ. Trong khi đó, các địa phương thì hoàn toàn chỉ biết khai thác chứ chưa bao giờ bỏ ra một đồng kinh phí cho việc tu bổ nạo vét kênh, sông, rạch.

Đại biểu đại diện Sở GTVT tỉnh Trà Vinh thừa nhận, hàng năm ngân sách của địa phương có bỏ ra để tu sửa đường giao thông bộ chứ chưa bao giờ có kinh phí cho giao thông thuỷ.

Nhiều đại biểu thắc mắc: Lưu lượng hàng hoá tại ĐBSCL là rất lớn và chủ yếu là theo đường thủy, thế nhưng nhiều lần xin đầu tư mở cảng sông nhưng cuối cùng chỉ giải quyết được một cảng, như vậy là không đủ, chuyện tắc nghẽn là đương nhiên.

Đường bộ: Ngổn ngang công trường

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đơn vị đăng cai diễn dàn, tham luận: “ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước, đây là nơi nhập khẩu phân bón, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như: xăng dầu, hạt nhựa…

Tuy nhiên, thời gian qua khối lượng hàng hoá luân chuyển trong vùng gặp rất nhiều khó khăn; hàng hoá xuất nhập khẩu trực tiếp qua các cảng khu vực ĐBSCL còn rất khiêm tốn, chủ yếu thông qua các cảng tại TPHCM.

Do vậy đã ảnh hưởng đáng kể đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và giá thành sản phẩm sản xuất trong vùng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém, không đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL”.

Ông Ngô Hữu Dũng, đại diện Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông của khu vực hiện nay là thiếu chiều sâu và dàn trải. Hiện chúng ta đẩy mạnh mạng lưới đường trục dọc (Quốc lộ) mà chưa đầu tư cho các tuyến đường ngang.

Theo ông Dũng, hiện tại người dân từ tỉnh Bạc Liêu đi Rạch Giá (Kiên Giang) phải mất 300 km (từ Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cần Thơ - Kiên Giang), trong khi đó nếu phát triển tuyến đường ngang từ Bạc Liêu qua Rạch Giá chỉ có 100 km.

Nếu phát triển được tuyến đường ngang này thì ngoài việc đáp ứng giao thông, vực dậy kinh tế vùng, nối biển đông và biển tây gần nhau hơn và đảm bảo an ninh Quốc phòng.

Đại diện tỉnh Sóc Trăng phân tích: Sóc Trăng hiện có đường độc đạo là Quốc lộ 1A đi qua. Tuyến đường này nằm trong dự án đang nâng cấp (đoạn Cần Thơ - Năm Căn), đường thì đã làm xong còn hàng loạt cây cầu yếu, hạn chế xe chở 10 tấn. Như vậy là đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ giữa cầu - đường “đường thông mà cầu vẫn tắc”.

Nguyên nhân của sự yếu kém về hạ tầng giao thông của ĐBSCL một phần xuất phát từ đặc điểm đặc thù về địa chất của vùng sông nước chằng chịt, đất yếu, thiếu nguyên vật liệu xây dựng…

Trước thực trạng trên, trong những năm qua Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm nhằm vực dậy nền kinh tế của khu vực này, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông. Cụ thể, từ năm 2002, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 162/2002/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL với hàng loạt dự án nâng cấp, đầu tư xây dựng mới.

Thế nhưng, tại hội nghị nhiều đại biểu băng khoăn cho các dự án đã và đang triển khai tại khu vực ĐBSCL vẫn còn chậm và nhiều bất cập.

ĐBSCL được đánh giá là khu vực nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng so sánh bình quân cả nước thì khu vực này lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của khu vực ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 17 đến 19% so với cả nước. Về sản xuất gạo, ĐBSCL chiếm 50% cả nước và 90% xuất khẩu.

Ngoài ra khu vực này sản xuất chiếm 30% lượng đường cả nước, 50% sản phẩm cá và nuôi trồng thuỷ sản. Hàng năm nhập khẩu khoảng trên 2 triệu tấn phân bón và trên 1,5 triệu tấn các sản phẩm lọc dầu, tuy nhiên hng hĩa chủ yếu vẫn là thông qua các cảng ở TPHCM và một số nhỏ ở cảng Cần Thơ.

Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm