Hà Nội: Vì sao nhiều người đổ xô đi bắt ốc bươu vàng ven đại lộ Thăng Long?
(Dân trí) - Mùa nước nổi, bên cạnh các nghề ăn theo con nước như đặt trúm, đẩy côn, kéo lưới, cắm câu, đặt dớn… thì việc bắt ốc bươu vàng cũng trở thành nghề mang lại thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Thi đã hành nghề bắt ốc bươu vàng ngay từ những ngày đầu tiểu thương thu mua tại đây. "Khu vực xã Cấn Thượng huyện Quốc Oai có hàng chục tiểu thương thu mua ốc bươu vàng. Khoảng một năm trước, họ ngưng không mua thì nay họ đã quay trở lại. Tôi cùng hàng chục phụ nữ trong xã lại theo nhau đi khắp các cánh đồng bỏ hoang ở Hà Nội để bắt ốc bươu vàng. Thu nhập à? Cũng tạm ổn", chị Thi cho biết.
Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ ngụp lặn trong cánh đồng lầy lội, chị Thi đã bắt được nửa bao tải ốc bươu vàng. Từ ốc to, ốc nhỏ đều được cho hết vào bao tải. Sau khi mang về nhà, người dân sẽ chọn những con to để sơ chế, lọc để lấy nguyên phần lưỡi bán cho tiểu thương với giá 12 nghìn/1kg. Còn lại ốc con thì cân cả vỏ với giá khoảng 2 nghìn/1kg.
Một phụ nữ đang miệt mài bới móc bèo tây để bắt ốc bươu vàng. Những ngày qua Hà Nội có mưa liên tục, cũng là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sôi.
Mỗi người đi bắt ốc bươu vàng thường mang theo từ 2 đến 3 bao tải để đựng ốc. Việc chia nhỏ ra nhiều bao sẽ thuận lợi cho việc vận chuyển từ nơi bắt về nhà.
Công việc nặng nhọc và có phần nguy hiểm. Không ít người đã dẫm phải mảnh chai, đổ máu khi săn tìm ốc.
Đến hẹn lại lên, khi những cánh đồng săm sắp nước cũng là lúc báo hiệu một mùa mưu sinh mới của rất nhiều hộ dân. Tại cánh đồng này, trứng ốc biêu vàng có ở khắp nơi và sinh sản rất nhanh. Thu gom ốc bươu vàng như hiện nay quả là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có ích cho nghề nuôi thủy sản vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhà nông, vừa diệt trừ nó bảo vệ mùa màng.
Bắt ốc cũng vất vả lắm, ngày công cũng không được bao nhiêu, cũng coi là một nghề phụ để tăng thêm thu nhập" chị Thi chia sẻ.
Những người phụ nữ làm nghề bắt ốc bươu vàng tại đây cho biết, thương lái thu mua ốc ở nơi khác đến. Họ thu mua sau đó vận chuyển đi đâu thì ngay cả những người đi bắt ốc cũng không biết rõ, chỉ nghe nói là làm thức ăn chăn nuôi.
Trọng Trinh