1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội tuyên bố sẵn sàng thu hồi dự án FDI tiến độ “rùa”

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố ông Nguyễn Ngọc Tuấn cam kết Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI. Song nếu trì trệ, chậm triển khai dự án, chủ đầu tư không có năng lực, thành phố sẽ thu hồi dự án để giao cho doanh nghiệp khác thực hiện.

Hơn 70% vốn FDI cấp mới tại Hà Nội trong quý I chảy vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Hơn 70% vốn FDI cấp mới tại Hà Nội trong quý I chảy vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong ngày 22/4, UBND Thành phố Hà Nội đã có buổi giao ban tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và đại diện các doanh nghiệp triển khai dự án FDI trên địa bàn.
 
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết năm 2014, Hà Nội đã thu hút được 3.169 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26,3 tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký luỹ kế còn hiệu lực là 2.988 dự án với 21,7 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện luỹ kế đạt khoảng 11,3 tỷ USD (chiếm khoảng 52%).
 
Trong Quý I/2015, Hà Nội đã thực hiện cấp mới và tăng vốn cho 80 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD (tăng 2,6 lần so cùng kỳ 2014). Trong đó cấp mới 64 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 92 triệu USD (tăng 204% so cùng kỳ 2014 và lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản với 70,2%). Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 16 lượt dự án với giá trị vốn tăng đạt 68,2 triệu USD (tăng 4,7 lần so cùng kỳ 2014 và lĩnh vực điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn nhất là chế biến chế tạo chiếm 53,5%).
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 12 dự án gặp khó khăn về quy hoạch, trong đó 3 dự án phải chờ quy hoạch phân khu, 9 dự án phải chờ quy hoạch chi tiết 1/500; 8 dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng và bàn giao đất; 13 dự án gặp khó khăn do các nguyên nhân khác.
 
Để giải quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dự án đang triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Tại hội nghị, có 16 doanh nghiệp thực hiện đầu tư trên địa bàn Thành phố đã báo cáo tiến độ triển khai các dự án và kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc.
 
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp và ý kiến trả lời của các quận, huyện, sở, ngành Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tổ chức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải rà soát, làm rõ, trả lời các doanh nghiệp có vướng mắc về quy hoạch ngay trong tháng 5/2015. Ban Giải phóng mặt bằng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nghiên cứu vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các dự án để có kế hoạch hợp lý, báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn về UBND Thành phố.
 
Đối với các doanh nghiệp, ông Tuấn yêu cầu gửi các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc về Sở Kế hoạch và Đầu tư để được tổng hợp, giải quyết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tích cực, chủ động đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ cam kết. Đối với các doanh nghiệp trì trệ, chậm triển khai dự án, Thành phố sẽ có phương án xử lý, nếu chủ đầu tư không có năng lực, thành phố sẽ thu hồi dự án để giao cho doanh nghiệp khác thực hiện.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm