Hà Nội trồng mới cây xanh: Nhà tài trợ chỉ góp tiền, không biết cây thay thế là cây gì!

(Dân trí) - Ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị ngân hàng VPBank thừa nhận, VPBank là đơn vị cam kết tài trợ số cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ là nhà tài trợ kinh phí trồng cây chứ không thực hiện trồng cây hay lựa chọn cây.

Trong đề án chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của TP Hà Nội, cây gỗ Vàng tâm được lựa chọn để thay thế trên nhiều tuyến phố. Hiện tại, TP Hà Nội đã triển khai trồng khoảng 382 cây Vàng tâm trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh; trong đó 191 cây bên dãy phố đánh số chẵn là do một ngân hàng đóng góp.
Hàng cây trơ trụi lá vừa được trồng mới trên tuyến phố Hà Nội.
Hàng cây trơ trụi lá vừa được trồng mới trên tuyến phố Hà Nội.

Sau khi dư luận lên tiếng, Hà Nội đã tạm dừng cặt cây xanh trên một số tuyến phố Hà Nội. Trong khi đó, trao đổi với báo giới, một số chuyên gia lâm nghiệp lại khẳng định, những cây đang được trồng thay thế trên những tuyến phố Hà Nội không phải là cây Vàng tâm mà là cây gỗ mỡ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ, hiện đang sinh hoạt tại hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường và Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, trao đổi với Một Thế Giới cho rằng, cây được trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây Vàng tâm trong sách đỏ, mà là cây Mỡ, hay còn gọi là Mỡ vàng tâm- loại cây gỗ mềm, thường dùng làm vỏ bút chì, bột giấy, bao diêm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thừa nhận, VPBank là đơn vị cam kết tài trợ số cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Tuy nhiên, “ngân hàng chỉ là nhà tài trợ kinh phí trồng cây chứ không thực hiện trồng cây hay lựa chọn cây. Chúng tôi không có quyền và cũng không có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để lựa chọn cây này, cây kia để trồng”, ông Việt khẳng định.

Người phát ngôn của ngân hàng này chia sẻ, ông và nhân viên ngân hàng có nghe thấy dư luận tranh cãi giống cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng đơn vị này không rõ đây là cây Vàng tâm hay cây mỡ.

Thậm chí, đơn vị này cũng không biết ngày nào Hà Nội chặt hạ cây, ngày nào thay thế cây mới. Với cam kết tài trợ kinh phí thay thế cây, sau khi trồng, hết bao nhiêu tiền, đơn vị sẽ tài trợ số kinh phí đó. Đến nay, việc thực hiện tài trợ chưa diễn ra nên ngân hàng chưa biết cụ thể tổng số tiền cũng như số tiền từng cây.

Ông Trần Tuấn Việt khẳng định thêm, VPBank góp tiền ủng hộ Thủ đô trồng cây mới, thay thế cây mục ruỗng, cây bệnh..., góp phần giúp Hà Nội thêm xanh, thêm đẹp chứ không được thông tin, không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt hàng loạt cây trên các tuyến phố.

Theo chia sẻ của ông Việt: Những ngày qua, ngân hàng nhận được rất nhiều lời chất vấn, trách cứ từ dư luận, đặc biệt là từ phía khách hàng và đối tác vì sự hiểu lầm tai hại này.

“Các khoản đóng góp của nhân viên VPBank dù nhỏ bé nhưng thể hiện cái tâm của họ với màu xanh Hà Nội, họ không đáng bị hàm oan như thế. Việc này xuất phát từ mục đích tốt đẹp, giống như rất nhiều hoạt động an sinh xã hội khác mà chúng tôi đã thực hiện. Chúng tôi hy vọng, khi những hiểu lầm qua đi, tấm lòng của chúng tôi sẽ được cộng đồng thấu hiểu”, ông Việt nói.

Trở lại với việc trồng cây xanh thay thế, nếu đúng số cây được trồng mới là Vàng tâm, thì theo một số chuyên gia lâm nghiệp, loại cây này cũng không phù hợp. Theo quan điểm của Tiến sĩ Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Cảnh quan và Nội thất, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, trồng cây Vàng tâm tại các tuyến phố ở trung tâm Hà Nội là không phù hợp. Cây rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được.

Tiến sĩ Hà cho rằng, cây Vàng tâm chỉ thích hợp trồng ở những nơi thoáng mát, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ, thường phải dưới 30 độ C thì cây mới tồn tại và phát triển được. Cây Vàng tâm nếu trồng làm cảnh quan, người ta thường trồng ở công viên, nơi có không gian thoáng mát; hoặc nếu trồng ở đường phố phải ở những nơi có khí hậu thích hợp như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…

Tiến sĩ Hà phân tích: “Cây Vàng tâm ưa nơi có khí hậu thoáng mát, thường dưới 30 độ C và độ ẩm cao, nhưng không được ngập úng. Đường phố trung tâm Hà Nội vào mùa hè, nhiệt độ có chỗ lên đến 40 độ C thì cây làm sao mà phát triển được, nó sẽ cứ còi cọc, thậm chí còn khó tồn tại được. Mặt khác, đường phố Hà Nội vào mùa mưa rất hay ngập úng, cộng với đất dinh dưỡng ít nên Vàng tâm trồng ở đó là không phù hợp”.

Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”