1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội trợ giúp ngành bán lẻ

Các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn Hà Nội sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính. Đây là một động thái mới nhất thể hiện quyết tâm củng cố ngành bán lẻ của thủ đô trước thềm hội nhập.

Ủy ban Nhân dân thành phố vừa ban hành quy chế khuyến khích đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn, trong đó dành khá nhiều cơ chế ưu đãi cho mọi tổ chức, cá nhân có tham vọng và đủ điều kiện xây dựng kênh phân phối hiện đại.

Các nhà đầu tư sẽ được cung cấp kịp thời những thông tin về quy hoạch có liên quan trong quá trình lập dự án đầu tư. Thành phố sẽ rút gọn thời gian làm thủ tục hành chính khi thụ lý, giải quyết hồ sơ có liên quan đến quy hoạch và kiến trúc của dự án mà nhà đầu tư trình.

Tiếp bước TPHCM, Hà Nội cũng đang ấp ủ đề án tháng bán hàng khuyến mại, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trong giai đoạn thấp điểm. Trong tuần tới, Sở Thương mại sẽ làm việc với các doanh nghiệp để thống nhất về quy mô, hình thức và thời điểm triển khai chương trình.

Đáng chú ý, với những nhà đầu tư có đủ điều kiện, sẽ được ưu tiên thuê đất "sạch" (đã đền bù và giải phóng mặt bằng), với thời hạn 50 năm, thậm chí đến 70 năm.

Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu nhà đầu tư chấp hành đúng pháp luật về đất đai và có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì sẽ được xem xét gia hạn sử dụng.

Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến chân hàng rào của dự án. Các dự án được phê duyệt sẽ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, Quỹ đầu tư xây dựng phát triển...

Theo Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Nguyễn Mạnh Hoàng, cơ chế ưu đãi trên đây áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, với mục tiêu phát triển mạnh kênh phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố.

Hiện Hà Nội có tất cả 70 siêu thị và trung tâm thương mại, song hơn 1/3 trong số đó chưa đảm bảo các quy định hiện hành. Lượng hàng hoá lưu chuyển qua kênh phân phối này mới đạt 20%, thấp hơn nhiều so với TPHCM.

"Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp", ông Hoàng thừa nhận. Thành phố đang đặt mục tiêu xây dựng thêm 60 trung tâm thương mại và siêu thị đạt chuẩn từ nay đến 2010 và nâng mức lưu chuyển hàng hoá qua kênh phân phối này lên mức 30%.

Hà Nội đang điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới chợ gắn với trung tâm thương mại và siêu thị. Trên cơ sở đó sẽ thiết lập các địa điểm dự kiến xây mới, giao cho các quận, huyện lập dự án và kêu gọi đầu tư.

Trước mắt, sẽ quy hoạch và dành vài trăm ha đất ở Đông Anh, Gia Lâm để xây dựng một số trung tâm thương mại lớn. Đồng thời sẽ nâng cấp các trung tâm trong thành phố hiện nay, có thể phát triển theo mô hình chợ kết hợp siêu thị và văn phòng cho thuê.

"Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện này là làm sao để giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển kênh phân phối hiện đại. Nhưng các doanh nghiệp cũng nên bắt tay nhau, tận dụng lợi thế sẵn có để củng cố năng lực cạnh tranh trước khi các đại gia bán lẻ bên ngoài tràn vào", ông Hoàng nói.

Ông cũng cho biết thêm Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn hợp tác với những doanh nghiệp lớn của TP HCM để phát triển kênh phân phối. Tuần tới, Sở Thương mại Hà Nội sẽ họp bàn với các doanh nghiệp về vấn đề này.

Theo T.T.
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm