Hà Nội sẽ đền bù cho các dự án bị dừng

(Dân trí) - Về các dự án buộc phải dừng lại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, thành phố đã tính đến việc cho nhà đầu tư được thực hiện dự án ở những khu vực khác theo qui hoạch mới, đồng thời sẽ tính toán hoàn trả chi phí.

Đó là câu trả lời của ông Phí Thái Bình trong phiên chất vấn giữa kì của HĐND sáng 21/4.
 
Vi phạm không gian xanh sẽ phải dừng
 
Sự ra đời của hàng loạt đồ án, dự án ngay trước thời điểm mở rộng và việc rà soát lại các dự án này của thành phố trở thành vấn đề được quan tâm đầu tiên của phiên chất vấn.
 
Theo ông Phí Thái Bình, sau 5 tháng rà soát, tổng số đồ án, dự án thu thập được trên địa bàn là 744, với diện tích chiếm đất khoảng 75.000 ha, trong đó có 306 đồ án qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và 1/500, 438 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư…
 
Đại biểu Bùi Thị An bắt ngay vào vấn đề: từ khi có thông tin về việc mở rộng đến khi chính thức mở rộng có bao nhiêu dự án được quyết định? Đáp lại, ông Bình cho rằng, đây là câu hỏi rất khó.
 
Theo ông Bình chỉ có thể trả lời, từ ngày 4/3/2008 khi Bộ Xây dựng bắt đầu rà soát các dự án đến thời điểm 1/8 có 72 đồ án, dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
Đại biểu An truy tiếp việc, trong số các dự án được rà soát có bao nhiêu dự án sau 12 tháng chưa thực hiện mà theo qui định của luật sẽ phải thu hồi? Không có câu trả lời trực diện cho câu hỏi, nhưng ông Bình cho biết, sau rà soát sẽ có việc kiểm tra “sức khỏe” của nhà đầu tư.
 
“Những dự án quá thời gian cho phép và không đủ sức đầu tư, nếu không có lí do chính đáng sẽ thu hồi lại”, ông Bình bày tỏ sự cương quyết.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan “băn khoăn”, khi chưa có qui hoạch chung Thủ đô, cơ sở, tiêu chí nào để xếp dự án tiếp tục được thực hiện, dự án phải tạm dừng lại? Với các dự bán buộc phải dừng lại tới đây phương án đền bù sẽ như thế nào?
 
Hà Nội sẽ đền bù cho các dự án bị dừng - 1
Đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn về cơ sở, tiêu chí phân loại các dự án.
 
Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho biết, thành phố đã đưa ra các tiêu chí để thực hiện việc này và đã được thể hiện trong văn bản. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo sau đó bổ sung thêm, căn cứ là những qui hoạch đã có và nhất là định hướng phát triển không gian Hà Nội trong tương lai theo những nhiệm vụ thiết kế Thủ tướng đã phê duyệt.
 
Những dự án nằm trong định hướng phát triển không gian, chẳng hạn như trùng vào vành đai xanh đương nhiên sẽ phải dừng lại, trong khi những dự án nằm trong khu đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh vẫn được tiếp tục.
 
Về việc đền bù các dự án buộc phải dừng lại, ông Phí Thái Bình cho biết, các nhà đầu tư không “mắc mớ” gì và “thành phố đã tính toán đến việc cho họ được thực hiện dự án ở những khu vực khác theo qui hoạch mới cũng như tính toán hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư”.
 
Với các dự án vẫn được xem xét tiếp tục triển khai, nhưng cần điều chỉnh, cơ chế sẽ như thế nào là câu hỏi của Bí thư huyện Quốc Oai Đỗ Văn Quang. Theo ông Quang, có dự án nhà vườn - công nghệ cao tại huyện Quốc Oai đã thu hồi đất 100%, đã đền bù cho người dân đến 50 tỉ đồng, nay phải thay đổi không biết sẽ phải như thế nào.
 
Ông Phí Thái Bình trấn an, tháng 6 tới đây thành phố mới công bố chính thức kết quả rà soát các đồ án, dự án. Lãnh đạo thành phố sẽ đi từng địa phương để xem xét việc xử lí.
 
“Cá dọn bể không sống nổi, cá nào sống được”
 
Chuyển sang vấn đề vệ sinh, môi trường, đại biểu Phạm Thị Thành nhìn nhận, Hà Nội hiện nay bẩn hơn nhiều tỉnh khác, túi ni lông bay phơi phới ở nhiều chỗ, nước thải đổ thẳng ra đường, chuột chết cũng vứt ra đường… “Các đồng chí cứ nói tuyên truyền, nhưng tuyên truyền thế nào chứ tôi thấy, ý thức bây giờ kém hơn những năm trước”, bà Thành bức xúc.
 
Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi đáp lại, thành phố đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh tuyên truyền cả về vệ sinh môi trường, cả về văn minh đô thị. Tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, tăng cường xử lí các vi phạm…
 
Về xử lí ô nhiễm các dòng sông, đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương cho rằng, các giải pháp vẫn tập trung vào phần ngọn, trong khi đó nguồn nước thải vẫn đổ ra sông. Có giải pháp nào có thể xử lí tận gốc vấn đề là câu hỏi bà Sương nêu ra.
 
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đảm nhận lĩnh vực này đã cho biết, thành phố đặt vấn đề phải thu gom nước thải sinh hoạt, nước thải y tế và sẽ có lộ trình về vấn đề này. Theo ông Khanh, để có hạ tầng kĩ thuật thu gom, nguồn kinh phí sẽ rất lớn…
 
Phó Chủ tịch Khanh khẳng định, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ giải quyết xong về cơ bản các vấn đề của sông Tô Lịch, nhưng quan điểm là sẽ tập trung năng lực giải quyết càng sớm càng tốt vì “Hà Nội không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước, cho cả vấn đề du lịch của Thủ đô”.
 
Không chỉ sông Tô Lịch, vấn đề của sông Nhuệ cũng được một đại biểu khác truy với bức xúc nhiều hơn. Theo đó, dòng sông này ô nhiễm nhiều năm, vừa qua cá dọn bể chết rất nhiều mà “cá dọn bể còn chết, cá nào sống nổi”. Đại biểu này đặt câu hỏi về việc xử lí các cơ sở gây ô nhiễm cho dòng sông như thế nào?
 
Ông Khanh cho biết, sau khi cá chết, ông đã xuống tận nơi chỉ đạo việc thu gom và làm rõ nguyên nhân. Theo ông, những người dân cho biết, cứ khoảng 4 - 5 năm lại có một cá chết và sau đó vẫn thấy cá bơi lội. Việc cá chết có thể liên quan tới hoạt động thải của các đơn vị, nhà máy.
 
Hiện tại đã xử lí được 17 đơn vị gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố và tới đây sẽ tiếp tục di chuyển 8 đơn vị gây ô nhiễm có tên trong danh sách cần di chuyển.
 
Bài và ảnh: Cấn Cường