Hà Nội cần cơ cấu ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ định hướng 2025 tầm nhìn 2045

(Dân trí) - Theo thông tin được ông Nguyễn Hoàng, Đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đưa ra tại kỳ họp thứ 9 HĐND khóa XV thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp thủ đô tăng 7,1%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2%.

Như vậy, nếu theo số liệu nói trên thì trong vòng 10 năm tới ngành công nghiệp nói chung của Hà Nội sẽ tương ứng tăng lũy tiến khoảng 2 - 2,5 lần so với hiện nay. Trong khi theo kết quả báo cáo của ngành Công thương thì chỉ số này của cả nước tương ứng tăng trong 10 năm qua là 3,5 lần.

Hà Nội cần cơ cấu ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ định hướng 2025 tầm nhìn 2045 - 1

Ông Nguyễn Hoàng, Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2016 – 2021)

Xu hướng chững lại

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp thủ đô tăng 7,1%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2% trong khi tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của cả nước đạt mức 10,8% (thấp hơn mục tiêu đặt ra là 12,7% và thấp hơn mức cùng kỳ 2018 là 12,7%).

Như ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã từng khẳng định tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương Hà Nội thì phát triển công nghiệp của thủ đô đang có xu hướng chững lại, so với cả nước đã có sự sụt giảm và triển vọng tăng trưởng nhanh là rất khó do các khu công nghiệp (KCN) đã được lấp đầy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh hầu hết những KCN đã được lấp đầy thì đến nay vẫn có những dự án vốn được xem là “quả đấm thép” vẫn đang quá trình “chạy đà” chưa đáp ứng được kỳ vọng tạo ra động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp thủ đô thúc đẩy CNHT và CNHT công nghệ cao phát triển như Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc hay KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip). 2 KCN này hiện đã hoàn chỉnh hạ tầng và có quĩ đất đủ lớn cho các DN trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ , chế tạo chế biến và công nghệ cao.

Cần chiến lược dài hạn chi tiết

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng bày tỏ lo ngại về việc tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp của Thủ đô trong 10 năm tới có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua của cả nước.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội đưa ra tại Kỳ họp thứ 9 HĐND khóa XV thành phố Hà Nội, để công nghiệp Hà Nội phát triển thì cần một chiến lược dài hạn cùng những kế hoạch chi tiết căn cơ.

Từ thực tế đó, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT (HANSIBA), ông Nguyễn Hoàng đã đề xuất với UBND Thành phố một số giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và CNHT công nghệ cao của Hà Nội.

Đầu tiên, ông Nguyễn Hoàng cho rằng Hà Nội cần sớm xây dựng phương án phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp Thủ đô đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2045 trên cơ sở bám sát vào nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại nghị quyết số 24/2016/QH14ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu các ngành kinh tế Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, xét đến năm 2025 và dựa trên những kế hoạch khoa học xuất phát từ thực trạng của ngành CN thủ đô như số lượng các DN - hộ gia đình hiện có năng lực về công nghệ, vốn, lao động và thị trường...

Hà Nội cần cơ cấu ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ định hướng 2025 tầm nhìn 2045 - 2

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

(ảnh HANSIBA)

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đánh giá được ngành CNHT đang ở đâu, từ đó đưa ra những giải pháp thật cụ thể nhằm thúc đẩy từng lĩnh vực CNHT cụ thể (như CNHT cho điện tử, da giày, dệt may, cơ khí…).

Ngoài ra, với việc Việt Nam gia nhập những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EU - VN trong đó cần xem rõ thuận lợi và khó khăn khi DN CN tham gia cùng với cuộc CMCN 4.0 sẽ là gì ở Thủ đô ?

Theo Đại biểu HĐND TP Hà Nội Ông Nguyễn Hoàng, cùng với cả nước, Hà Nội cần sẵn sàng vượt trội mọi điều kiện về cơ chế chính sách, năng lực quản lý, công nghệ để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân bình đẳng tham gia phát triển công nghiệp. Bởi kinh tế tư nhân là “Người dân” và “Người dân” là trí thức - thợ kỹ thuật cao - hộ gia đình và là Doanh nhân ... tất cả cần được giải phóng sức sáng tạo và năng lực để cùng nhau phát triển làm giàu cho mình và đất nước trong đó có ngành công nghiệp.

Một điểm nữa cũng được ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh là cần có chính sách "trải thảm đỏ" thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng để nhanh chóng hấp thu công nghệ mới vào hợp tác , qua đó giúp các DN CN thủ đô tham gia được vào chuỗi giá trị sẵn có của các doanh nghiệp FDI.

Để làm được việc này, thì Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo cũng như có thể đề xuất với Chính phủ các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Làm được vậy, Hà Nội sẽ là đầu tầu kinh tế lôi kéo phát triển kinh tế vùng trọng điểm Bắc bộ và góp phần rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đứng trong nhóm 3 nước Công nghiệp hiện đại thuộc Asean và đến 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) sẽ là nước công nghiệp phát triển đúng theo chỉ đạo tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp Việt Nam.

Đặng Đình Tuấn