1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội "bối rối" với mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại

(Dân trí) - UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng làm dự thảo gửi Bộ Xây dựng để được hướng dẫn mô hình thiết kế công trình hỗn hợp chợ gắn với trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.

Ngày 14/8, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu về định hướng quản lý, cải tạo chợ trên địa bàn Thành phố.

Xây lại chợ phải minh bạch ngay khi có chủ trương

Về mô hình thiết kế công trình hỗn hợp chợ gắn với Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Công thương dự thảo báo cáo của UBND Thành phố, gửi Bộ Xây dựng để được hướng dẫn.
 
Hà Nội bối rối với mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại

Tiểu thương phải đối xây mới chợ Nghĩa Tân, UBND thành phố Hà Nội đồng ý tạm dừng dự án (ảnh Thông Chí)

Thực tế, trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã chuyển đổi một số chợ thành trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê. Nhiều chợ sau khi xây mới rơi vào cảnh trăm người bán nhưng có vài người mua. Điều đó khiến tiểu thương rơi vào cảnh điêu đứng vì kinh doanh không có lãi như trước khi chưa xây chợ gắn với trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê.

Gần đây nhất là dự án xây dựng chợ Nghĩa Tâm (quận Cầu Giấy) kế hợp với trung tâm thương mại và văn phòng. Lo ngại việc xây mới, kinh doanh không có lãi và quyền lợi bị ảnh hưởng nhiều tiểu thương không đồng thuận với dự án này. Chính vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư xem xét kỹ về hiệu quả của dự án và thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành. Thành phố đồng ý với quận Cầu Giấy và chủ đầu tư tạm dừng dự án.

Đối với các chợ cải tạo, xây dựng lại, thành phố yêu cầu các quận, huyện cần phải làm công khai, minh bạch ngay từ khi có chủ trương, phương án xây dựng hoặc cải tạo lại chợ và làm rõ nguồn gốc đất đai, tài sản hình thành chợ. Đặc biệt là những chợ có khoản tiền người dân đóng góp để xây dựng chợ đã được khấu trừ vào tiền thuê chỗ có thời hạn, để người dân hiểu rõ và thực hiện.

Khi xây dựng, cải tạo chợ các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm chỉnh theo tiêu chuẩn thiết kế do Bộ Xây dựng ban hành. Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng hướng dẫn UBND quận huyện thực hiện đúng theo quy định.

Không tăng giá thuê kiot quá cao khi chuyển mô hình chợ

UBND Hà Nội cho biết thời gian qua thành phố đã chuyển đổi mô hình quản lý được 126 chợ (trong tổng số 413 chợ) trên địa bàn. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện chuyển đối mô hình quản lý chợ, đặc biệt quan tâm đến các chợ ở vùng nông thôn để huy động nguồn lực xã hội quản lý, cải tạo chợ nông thôn theo hướng văn minh thương mại.

Khi thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, thành phố yêu cầu quận, huyện cần xem xét kỹ phương án chuyển đổi để đảm báo giá thuê chỗ kinh doanh sau khi chuyển sang doanh nghiệp - HTX quản lý phải phù hợp với khả năng chi trả của các hộ kinh doanh, không tăng đột biến quá cao so với giá thuê trước khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã tập trung thực hiện kiên quyết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 197 Thành phố, không để chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động làm mất an toàn giao thông, gây mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị.

Đồng thời thành phố cũng yêu cầu các địa bàn phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với hoạt động của chợ trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Quang Phong