Hà Nội: 700 trang trại có thu nhập tiền tỷ

Sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhiều địa phương thuộc TP.Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế trang trại. Nhờ đó, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân là các mục tiêu được Thành ủy Hà Nội đặt ra từ lâu và cụ thể hóa bằng Chương trình 02. Đây được xem là hướng đi đúng, đã và đang giúp cho nhiều xã về đích trong xây dựng NTM.

700 trang trại thu nhập 1 – 3 tỷ đồng/năm

Theo thống kê, hiện toàn thành phố có hơn 1.230 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó có 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và khoảng 2.500 hô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ, với tổng diện tích 15.000ha. Trong số này có gần 700 trang trại đạt thu nhập từ 1 – 3 tỷ đồng/năm.


Trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm ở Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: V.T

Trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm ở Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: V.T

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, chủ trương của thành phố là không phát triển trang trại ồ ạt, không đặt ra chỉ tiêu mà chỉ ưu tiên phát triển ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

“Ví dụ ở huyện Quốc Oai, xã Đại Thành có thế mạnh về nhãn chín muộn thì ưu tiên trồng nhãn, còn xã Cấn Hữu có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi thì đẩy mạnh nuôi lợn, gà… Hay ở các xã Đắc Sở, Yên Sở (huyện Hoài Đức) có thế mạnh về cây phật thủ, hoa thì phải ưu tiên các loại này, chứ không theo kiểu thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” – ông Mỹ phân tích.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đang được xem là mô hình điểm của huyện và thành phố, bởi ngoài chăn nuôi quy mô lớn với 10.000 gà đẻ, 60 lợn nái, 500 lợn thịt/lứa, còn có gần 2 mẫu ao nuôi cá. “Năm ngoái, tôi lãi hơn 1 tỷ đồng”- anh Lâm cho biết.

Tăng cường liên kết chuỗi

Mặc dù kinh tế trang trại khá phát triển, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các trang trại trên địa bàn hiện nay đều phải tự lo đầu vào, đầu ra và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nguyên nhân chính là do các trang trại có quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết giữa các “nhà” còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tài sản để thế chấp vay mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước (Thanh Oai) - người có sáng kiến xây “chung cư” cho lợn cho biết: “Việc liên kết “3 nhà”, “4 nhà” hiện nay vẫn chủ yếu là trên lý thuyết bởi chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện ở Thanh Oai có rất nhiều trang trại, nhưng họ chỉ giúp nhau được về khâu kỹ thuật”.

Về điều này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Hiện Sở đang điều tra, khảo sát hiện trạng các mô hình trang trại, vườn trại để xây dựng phương án hỗ trợ người dân hợp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, hỗ trợ các trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn”.

Nhờ phát triển kinh tế trang trại nên tổng đàn gia cầm của Hà Nội hiện đạt gần 25 triệu con, đàn lợn 1,4 triệu con, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 1,1 tỷ quả trứng, gần 400.000 tấn lợn hơi... Ngoài ra, thành phố còn có hơn 13.000ha cây ăn quả, 5.000ha rau an toàn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt hơn 44.000 tỷ đồng/năm.

Theo Việt Tùng
Dân Việt

Hà Nội: 700 trang trại có thu nhập tiền tỷ - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm