1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hạ lãi suất huy động, ngân hàng có lãi?

(Dân trí) - Hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đã hạ lãi suất huy động VND và USD, với mức hạ bình quân 0,3% so với lãi suất cho vay. Giới chuyên gia tài chính nhận định, các ngân hàng chưa có lãi vì phải bảo toàn lợi tức thực dương.

Đua nhau hạ lãi suất huy động

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong tuần qua, lãi suất huy động VND và USD của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng giảm nhẹ so với tuần trước (giảm từ 0,01 - 0,1%/năm đối với VND, giảm từ 0,02 - 0,1%/năm đối với USD).

Lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng hiện nay là: Đối với VND (%/năm): Không kỳ hạn 4,11; kỳ hạn 3 tháng 18,04; kỳ hạn 6 tháng 18,05; kỳ hạn 12 tháng 17,78. Đối với USD (%/năm): Không kỳ hạn 1,79; kỳ hạn 3 tháng 6,42; kỳ hạn 6 tháng 6,48; kỳ hạn 12 tháng 6,48.

Tính chung cho những đợt điều chỉnh từ đầu tháng 7 tới nay, lãi suất huy động VND đã giảm từ 0,1 - 1,75%/ năm đối với VND và từ 0,05 - 1%/năm đối với huy động bằng USD. Đến nay, đỉnh lãi suất 19% đã không còn tồn tại.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), một trong những ngân hàng có mức điều chỉnh “đỉnh” lãi suất cao nhất trên thị trường, từ ngày 11/8 đã áp dụng biểu lãi suất mới 18,6%, giảm 0,12% ít so với cuối tháng 7.

Một trong những ngân hàng duy trì lâu nhất đỉnh 19% là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceaBank), từ ngày 12/8 đã hạ lãi suất, với mức cao nhất chỉ còn 18,7% cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Kỳ hạn bị giảm nhiều nhất là 1 tháng từ 18,8% xuống còn 18%.

Cũng từ ngày 12/8, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chính thức thay đổi mức lãi suất tiết kiệm - lĩnh lãi cuối kỳ. Từ mức lãi suất 18,4 % /năm đối với tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, ABBank đã giảm còn 18,1%.

Các kỳ hạn khác cũng đều có sự thay đổi như: lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 18% đã giảm còn 17,88%, lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 18,35% giảm còn 18,15% và lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm còn 16%.

Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất huy động VND, các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất USD tương đối lớn. Điển hình là: SeABank đã cắt giảm hơn 1% lãi suất huy động USD, lãi suất tiền gửi ngoại tệ của SeABank áp dụng cho khách hàng cá nhân mức cao nhất chỉ còn 6,25%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Các kỳ hạn còn lại, SeABank áp dụng lãi suất huy động USD ở mức dao động từ 4% - 5,5%/năm.

Gần đây nhất, Vietinbank đã giảm 0,5%/năm lãi suất huy động USD cho tất cả các khách hàng có uy tín trong quan hệ tín dụng. Đây là lần thứ ba ngân hàng này giảm lãi suất, tính chung cả 3 lần giảm, lãi suất cho vay của ViettinBank giảm tối đa đến 3,5%/năm.

Cá biệt, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thông báo giảm lãi suất huy động USD lần thứ ba trong vòng một tháng qua.

Từ ngày 14/8, SCB thực hiện giảm lãi suất huy động USD ở tất cả các kỳ hạn từ 10 tháng trở xuống. Lãi suất huy động USD của ngân hàng này cũng điều chỉnh tại các kỳ hạn 1, 2 và 3 tuần lần lượt là 4%, 4,2% và 4,4%/năm; kỳ hạn 1 đến 10 tháng lần lượt có từ 6,25% đến mức cao nhất là 6,8%/năm.

Sẽ tiếp tục giảm

Theo lý giải của ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của ABBank, sở dĩ ngân hàng chỉ hạ khoảng 0,3% lãi suất huy động vì: “Theo chủ trương chung giảm lãi suất cho vay và tinh thần đồng thuận lãi suất đầu vào các ngân hàng nói chung, ABBank tiến hành giảm lãi suất đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo lợi tức thực dương và tốt nhất cho người gửi tiền trong bối cảnh cạnh tranh, lạm phát như hiện nay”.

Còn theo đại diện của OceaBank, “chúng tôi không muốn áp dụng một chính sách gây sốc đối với khách hàng, nhất là những khách hàng đã tin cậy cùng OceanBank đi một chặng đường dài qua các thời điểm khó khăn”.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) bày tỏ: Điều đang khiến chúng tôi đau đầu nhất là lãi suất. Vừa qua, các ngân hàng nâng lãi suất nhưng vốn huy động không tăng như mong muốn, ngược lại nó làm các kênh đầu tư trở nên “mất trật tự”, dòng tiền chảy theo nhiều hướng và quản lý vĩ mô khó định hình, khó dự đoán được dòng chảy của đồng tiền.

Theo một chuyên gia tài chính: Việc các ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động cho thấy tính thanh khoản trong hệ thống đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, lãi suất huy động cho vay quá cao thời gian qua, trong khi trần lãi suất cho vay chỉ là 21% buộc ngân hàng phải điều chỉnh do ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Về vấn đề này, đại diện của ABBank cho rằng: “Lãi suất bình quân huy động đầu vào của ngân hàng này chỉ có 16,94%/năm, nhưng vẫn đảm bảo mức có lãi. Đó là vì ABBank có nguồn thu không chỉ từ thu lãi tín dụng mà còn từ các hoạt động thu phí dịch vụ khác”.

“Tôi công nhận rằng, lãi suất huy động và lãi suất cho vay quá gần nhau gây khó khăn lớn cho ngân hàng, OceanBank cũng không là ngoại lệ. Ngoài việc cân đối nguồn vốn hợp lý hơn, chúng tôi đang tích cực mở rộng các mảng kinh doanh phi tín dụng, tháng 8 này OceanBank sẽ phát hành rộng rãi thẻ ATM ra công chúng”, đại diện OceaBank chia sẻ.

Theo dự đoán của các ngân hàng: Các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ; chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng ở mức 1,13% (giảm gần một nửa so với tháng trước); giá xăng dầu giảm… là các nguyên nhân đầu tiên đã và đang trực tiếp tác động đến việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm