1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Góp ý biểu giá điện: Chỉ đại gia, “tiền chùa" mới không tiết kiệm!

(Dân trí) - Nữ đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhấn mạnh: “Lý do biểu giá điện đồng giá không khuyến khích tiết kiệm là chưa thuyết phục. Chỉ có đại gia mới không tiết kiệm, lương cao đi nữa thì cũng không thể vì thế mà lãng phí. Trừ khi ai đó dùng “tiền chùa”.

 


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Hơn 1 tháng sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức công bố dự thảo xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện để lấy ý kiến cộng đồng, những đóng góp chủ yếu vẫn đi chia theo 2 hướng: ủng hộ phương án bán điện đồng giá hoặc biểu giá điện luỹ tiến với số bậc thang và khoảng cách bậc thang phù hợp hơn.

Đối với phương án đồng giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng phương án này sẽ minh bạch, tránh được tiêu cực trong việc ghi chỉ số điện và không gây thiệt hại cho người dùng bởi chỉ cần nhìn số điện là tính được ra giá tiền.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Nhiều năm qua, chúng ta đã nghĩ rằng, biểu giá điện bậc thang luỹ tiến là hợp lý nhưng với tư cách là người đã nhiều năm làm công tác giá cả và đứng đầu ngành vật giá cả nước, tôi thực sự thấy chúng ta cần mạnh dạn đổi mới tư duy theo kinh tế thị trường trong việc xây dựng biểu giá điện. Cách xây dựng biểu giá điện bậc thang luỹ tiến thực sự đạt rất ít, thậm chí không đạt được mong muốn đề ra”.

Theo ông Tuấn, với bảng giá bậc thang luỹ tiến người dân không thực sự kiểm soát được tính chuẩn xác của nó, nhiều người còn cho rằng, nhân viên ghi giá điện đã khôn khéo ghi tháng này tiêu dùng ít, tháng kia tiêu dùng nhiều để cố tình cho là tiêu dùng vượt mức sang bậc thang luỹ tiến cao và thu tiền nhiều của dân.

"Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu tiêu dùng điện của người dân không ngừng tăng lên và khi đời sống cần thì bắt buộc người dân phải sử dụng điện. Việc xây dựng một biểu giá điện thống nhất sẽ đảm bảo tính chuẩn xác, công khai, minh bạch và có tỷ lệ lợi nhuận hợp lý cho ngành điện để tái đầu tư. Đồng thời, xoá được tiêu cực, lằng nhằng trong thực hiện, giúp người dân dễ kiểm soát. Còn nếu nhà nước muốn hỗ trợ người nghèo có thể hỗ trợ trực tiếp bằng biện pháp tài chính”, ông Tuấn nói.

Vấn đề này một lần nữa được nhắc tới tại một diễn đàn khoa học về giá điện được tổ chức trong tuần qua. Tại đó, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho biết, khi tiếp xúc với cử tri tại nhiều nơi, vấn đề giá điện được phản ánh với rất nhiều bức xúc, trong đó cử tri nhiều nơi muốn bỏ chữ “thượng đế” khi là người tiêu dùng điện.

“Về biểu giá bán điện bậc thang, đâu là cơ sở để EVN đưa ra biểu giá 6 bậc như hiện tại? Vì có nhiều đặc thù, do đó, ý kiến đưa ra cần dựa trên cơ sở thực tế của Việt Nam, việc tiết kiệm là cần thiết nhưng cần phải sử dụng tiết kiệm điện dù người ở mức thu nhập nào. Do đó, nên ủng hỗ phương án một giá nhưng có sự hỗ trợ cho người nghèo”, bà An phát biểu.

Nữ đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: “Lý do biểu giá điện đồng giá không khuyến khích tiết kiệm là chưa thuyết phục. Chỉ có đại gia mới không tiết kiệm, chứ người dân, như các giáo sư ở đây, lương cao đi nữa thì cũng không thể vì thế mà lãng phí. Trừ khi ai đó dùng “tiền chùa”.

Đồng quan điểm nên sử dụng phương án đồng giá điện, tuy nhiên GS. Nguyễn Hữu Tăng (Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật) cho rằng, cần làm rõ mức giá 1.747 đồng/kWh. “Tính cả thuế, giá điện lên tới gần 2.000 đồng/kWh. Nếu thấp hơn, tôi tin người dân sẽ ủng hộ”, ông nói.

Trái ngược với quan điểm trên, nhiều chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm nên sử dụng phương án bậc thang để khuyến khích tiết kiệm điện. “Áp dụng phương án một bậc chỉ lý tưởng trong trường hợp Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh vào năm 2024”, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Duệ, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Quan điểm một giá có vẻ dễ hiểu, dễ làm nhưng chưa thích hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam. Đồng giá cao quá thì người nghèo không đủ tiền trả, thấp thì EVN lỗ. Khi nào thị trường cạnh tranh hoàn hảo mới có thể một giá”.

Phương Dung

 

Góp ý biểu giá điện: Chỉ đại gia, “tiền chùa" mới không tiết kiệm! - 2