1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Góp vốn 7 năm chưa được ký hợp đồng: Chủ đầu tư "xuống nước" với khách hàng

(Dân trí) - Liên quan tới vụ gần 70 khách hàng góp vốn vào dự án chung cư tại 99 Trần Bình từ năm 2010 nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán, đến thời điểm hiện tại, 90% khách hàng đã đạt được thoả thuận với chủ đầu tư.

Sau 7 năm góp vốn, khách hàng góp vốn tại dự án 99 Trần Bình hiện mới được ký hợp đồng mua bán.
Sau 7 năm góp vốn, khách hàng góp vốn tại dự án 99 Trần Bình hiện mới được ký hợp đồng mua bán.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, với mong muốn chọn được những căn hộ ưng í, giá rẻ, nhiều khách hàng tại dự án 99 Trần Bình (hiện là Bidhomes The Garden Hill) đã chấp nhận mua bán với hình thức góp vốn. Tuy nhiên, chờ đợi 7 năm trời nhưng nhà vẫn chẳng thấy đâu, thậm chí hợp đồng mua bán cũng chưa được ký kết.

Liên quan tới dự án này, trao đổi với báo chí chiều ngày 19/4, ông Vũ Văn Huề - Giám đốc Công ty Đức Phương thừa nhận, trong số 63 khách hàng đã ký thoả thuận với CTCP Đầu tư phát triển Nhà & Đô thị mới Hà Nội về việc góp vốn đầu tư dự án chung cư tại 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư thì hiện tại 90% khách hàng đã đạt được thỏa thuận với chủ đầu tư bằng hình thức ký hợp đồng mới.

Đối với 10% khách hàng cũ, tương ứng với khoảng 7 khách hàng, công ty cho biết hiện chưa kết nối được do "họ ở nước ngoài hoặc đi xa chưa về". Tuy nhiên, ông Huề cho biết sẽ tìm cách giải quyết triệt để đối với nhóm khách hàng này.

Để đi đến tiếng nói chung với số khách hàng cũ, chủ đầu tư đã đồng ý chiết khấu 15% so với giá bán cộng với hỗ trợ lãi suất cho khoản tiền 25% mà khách hàng đã góp vốn và miễn phí thêm 3 năm phí dịch vụ. Khách hàng nào không có nhu cầu tham gia tiếp sẽ hoàn lại tiền mà khách hàng đã góp vốn cộng với lãi suất.

Trước đó, từ năm 2010, nhóm gần 70 khách hàng đầu tiên của dự án đã ký “Thoả thuận hợp tác đầu tư” với Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà & Đô thị mới Hà Nội về việc góp vốn dự án chung cư 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư với giá bán từ 24-25 triệu đồng/m2, trong đó giá trên hợp đồng là 18,5 triệu đồng/m2 và chênh lệch ngoài hợp đồng 6-7 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau khi BID Group tham gia vào dự án cùng với Công ty Đức Phương và khởi công trở lại, ngày 29/12/2016, Công ty Đức Phương đưa ra thông báo "ép" khách hàng mua căn hộ với mức giá 30,9-33,5 triệu đồng/m2, chiết khấu 15% và bù phần lãi chậm tiến độ 8%/năm. Tuy nhiên, khách hàng cho rằng đây là mức giá “cao vô lý so với thị trường đang giao dịch” và kéo tới dự án căng băng rôn phản đối.

Liên quan đến giá bán căn hộ quá cao, ông Huề lý giải: “Chúng tôi cũng đã mất rất nhiều chi phí để chuyển đổi từ đất 50 năm sang đất sổ đỏ, từ 19 tầng lên 25 và 29 tầng, chất lượng công trình tốt hơn, chất lượng của một chung cư cao cấp chứ không còn là một tòa nhà giá thấp, cam kết tiến độ bàn giao cũng như các tiện ích gia tăng hơn rất nhiều so với dự án trước đây. Chính vì vậy giá bán cũng phải thay đổi”.

Dự án 99 Trần Bình là một ví dụ rất điển hình cho những rủi ro mà khách hàng gặp phải khi mua nhà theo hình thức hợp đồng góp vốn. Sau khi gần 70 khách hàng đóng tiền qua một bên thứ 3 là Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà & Đô thị mới Hà Nội mới thì sau đó, công ty này và chủ đầu tư thực sự của dự án là Công ty Đức Phương không có đủ năng lực và tài chính để tiếp tục xây dựng dự án.

Tại thời điểm đó, Đức Phương ủy quyền cho Nhà & Đô thị mới Hà Nội mới huy động 20% vốn từ các khách hàng góp vốn với diện tích 5.800 m2 từ tầng 6 đến tầng 9 cùng với ký Thỏa thuận tự nguyện góp vốn hợp tác ngày 24/10/2009 trước đó. Tuy nhiên, thực tế Công ty Nhà & Đô thị mới Hà Nội đã huy động tới 25% và cả khoản chênh lên tới 6-7 triệu đồng/m2 nhưng chỉ nộp lại cho phía Đức Phương 20%.

Cuối năm 2014, đại diện CTCP Đầu tư Phát triển Nhà & Đô thị mới Hà Nội và Công ty TNHH Đức Phương đề nghị Công ty CP BIDGROUP hợp tác đầu tư phát triển dự án 99 Trần Bình.

Lúc này, 3 công ty đã ký một phụ lục hợp tác kinh doanh ba bên cho biết, do khách hàng cũ đã rút vốn 3.400 m2 nên chỉ còn 2.400 m2 tương đương với khoảng 25 khách hàng góp vốn tiếp tục theo dự án nên Đức Phương đồng ý lấy lại phần diện tích 3.400 m2 và chuyển lại tiền Nhà & Đô thị mới Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi nhận đặt cọc từ công ty Đức Phương, Giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Nhà & Đô thị mới Hà Nội không xử lý cũng là lúc các khách hàng góp vốn trước đấy kéo đến dự án đòi quyền lợi vì chưa hề trả tiền cho khách hàng góp vốn như đã ký. Do đó, tới thời điểm hiện tại, phía Đức Phương phải kế thừa và giải quyết quyền lợi cho tất cả những hợp đồng mà gần 70 khách hàng đã ký với Nhà & Đô thị mới Hà Nội.

Phương Dung