1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gồng lãi vay tháng cuối năm

Thảo Thu

(Dân trí) - Các ngân hàng đã hạ lãi suất đầu vào song lãi vay vẫn ở mức cao. Không ít ngân hàng truyền thông chính sách giảm lãi vay nhưng thực chất chỉ áp dụng trong thời gian ngắn hoặc với một nhóm khách hàng.

Vay ngân hàng dễ hơn nhưng lãi vẫn cao

Nguyễn Hoa, vay mua chung cư ở TPHCM từ giữa năm 2020 tại một ngân hàng tư nhân với lãi suất 9,3%/năm trong năm đầu. Năm sau, lãi suất bắt đầu tính thả nổi và lên khoảng 11,9%/năm. Với khoản nợ 900 triệu đồng thời điểm đó, số tiền thực trả mỗi tháng là khoảng 10 triệu đồng, trong đó gần 3 triệu đồng nợ gốc.

Tuy nhiên, giữa tháng này, Hoa ra ngân hàng hỏi thì được nhân viên tín dụng cho biết lãi suất thả nổi đã lên 13,6%/năm và đến cuối năm sẽ lên khoảng 15,4%/năm. "May là từ thời điểm vay tôi đã trả dần, đến giờ chỉ còn nợ 500 triệu đồng nếu không sẽ phải chật vật và tằn tiện sống để gánh lãi", Hoa nói với Dân trí.

Hoa từng nghĩ vay thêm tiền từ gia đình để bớt đi khoản trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, khoản vay này có thời hạn 20 năm, dù năng lực tài chính của Hoa chỉ cần vay trong hơn 2 năm, cô vẫn phải chịu thêm phí phạt trả trước hạn.

"Lý do là vay dài hạn sẽ khiến số tiền gốc phải trả hàng tháng giảm xuống khá thấp, làm giảm đáng kể áp lực tài chính cho việc thanh toán ngân hàng hàng tháng", Hoa kể thêm. Cô tính trong 3 năm tới cố gắng trả hết nợ, dù vẫn phải chịu phí phạt nhưng sẽ ít hơn là trả nợ xong thời điểm hiện tại.

Gồng lãi vay tháng cuối năm - 1

Với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp đã lên tới mốc 16%/năm, tạo áp lực lớn lên nhóm người vay mua nhà đất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Không phải ai cũng nợ ngân hàng ở mức vừa phải như Hoa ở thời điểm này. Anh Ngọc - làm truyền thông tại Hà Nội - đang vay trả góp căn nhà mua từ cuối năm ngoái - cho biết liên tiếp nhận được thông báo tăng lãi suất trong 4 tháng gần đây, từ hơn 11%/năm lên 14,5%/năm. Với khoản vay tiền tỷ hiện tại, mỗi tháng, anh sẽ trả thêm tiền lãi so với trước cả triệu đồng.

Theo khảo sát của Dân trí, việc vay ở nhiều ngân hàng đã "dễ thở" hơn từ đầu tháng 12, sau khi room tín dụng được điều chỉnh tăng. Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2%, tức tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay lên 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%. Quy mô tín dụng cho nền kinh tế tăng thêm 180.000-200.000 tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm.

Nhưng ngay cả khi việc vay dễ hơn, lãi suất vẫn ở mức cao. Thực tế, sẽ có sự khác biệt đối với từng khách hàng, mục đích vay, lĩnh vực...  song với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp mặt bằng chung đã lên tới mốc 16%/năm. Điều này tạo áp lực lớn lên nhóm người vay mua nhà đất. Lãi suất thả nổi lên khoảng 10-12% tại khối ngân hàng có vốn Nhà nước và 14-16% tại nhóm nhà băng tư nhân.

Anh Trần Bình, nhân viên tín dụng chuyên tư vấn cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp tại Hà Nội nói ngân hàng anh làm đã có thêm dư địa vay cho tháng cuối năm, song vẫn có khách chần chừ do mức lãi suất cao.

Hiện khoản vay lưu động của doanh nghiệp thông thường tại nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước trong khoảng 8-9%/năm, còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động 10-12%/năm.

"Dù nhóm khách hàng nào cũng phải cộng thêm cả phí và tiền bảo hiểm bằng khoảng 2-4% giá trị khoản vay tùy từng nhà băng mới ra được lãi vay thực tế", anh Bình nói.

Loạt ngân hàng cam kết giảm lãi vay: Niềm vui ngắn chẳng tay gang

Lãi vay tăng trong bối cảnh lãi suất huy động từ giữa năm liên tục dâng cao. Gần đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kêu gọi áp dụng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, tối đa là 9,5%/năm. Động thái vào cuộc đã giúp cuộc đua có phần hạ nhiệt. Ngoài ra, nhiều ngân hàng tháng cuối năm cũng rộn ràng truyền thông việc giảm lãi suất cho vay.

Gồng lãi vay tháng cuối năm - 2

Trước đó, mặt bằng lãi suất huy động với doanh nghiệp và dân cư phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng huy động tới 11,5% (Ảnh minh họa: Hữu Nghị).

Nhưng thực tế, mức giảm chỉ áp dụng trong thời gian ngắn là một tháng cuối năm, số ít ngân hàng áp dụng đến giữa năm sau và tại nhiều ngân hàng chính sách giảm lãi suất cũng chỉ áp dụng cho người vay mới hoặc nhóm đối tượng nhất định. Với các động thái trên, mặt bằng lãi suất đầu ra vẫn ở mức cao.

"Càng cuối năm tôi càng lo vì cận Tết còn nhiều khoản phải chi chứ không chỉ dành để trả nợ ngân hàng", Anh Ngọc nói. Thông tin các ngân hàng giảm lãi vay trên báo đài, theo anh chỉ là "niềm vui ngắn chẳng tày gang".

Còn với nhân viên tín dụng chuyên tư vấn vay doanh nghiệp như anh Bình, việc có thêm room giải ngân là điều mong chờ sau nhiều tháng room tín dụng "kẹt", song vẫn cần thận trọng bởi các doanh nghiệp nộp hồ sơ từ trước đẹp nhưng tới nay có thể không còn. 

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cứng rắn liên quan tới điều hành tín dụng và lãi suất. Văn bản ngày 22/12 của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, cơ quan này cũng đã yêu cầu các nhà băng phải báo cáo hàng tuần việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay.

Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 hôm 27/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng. Ông yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm