1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gói kích thích kinh tế Mỹ chưa đủ mạnh

(Dân trí) - Các giáo trình kinh tế vĩ mô chỉ ra hai điều: thứ nhất, gói kích thích đã phát huy tác dụng tốt và thứ hai, chỉ vậy chưa đủ. Tác giả bài viết là nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2008 Paul Krugman.

Gói kích thích kinh tế Mỹ chưa đủ mạnh - 1
Ông Paul Krugman.
 
Tin mừng là Đạo luật phục hồi và tái đầu tư Hoa Kỳ, hay còn gọi là kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Obama, đang hoạt động đúng như những gì giáo trình kinh tế vĩ mô viết.

Nhưng tin buồn là vẫn theo cuốn giáo trình đó, gói kích thích này quá nhỏ so với những vấn nạn kinh tế nước Mỹ đang gặp phải. Trừ khi có những thay đổi quyết liệt, tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn cao trong vài năm nữa.

Và tin thật sự tồi tệ là những người “trung dung” trong Quốc hội không muốn đi tới một kết luận hết sức rõ ràng là chính phủ cần chi nhiều hơn nữa để tạo việc làm.

Trước hết, hãy bàn về tin tốt: cách đây không lâu nền kinh tế Hoa Kỳ đang trạng thái rơi tự do. Nếu không có gói kích thích, kinh tế sẽ càng tồi tệ thêm khi người thất nghiệp thắt chặt chi tiêu, chính quyền bang và địa phương cạn ngân sách phải sa thải hàng loạt công nhân viên…

Gói kích thích không quét sạch hoàn toàn những hiện tượng này, nhưng nó đã kéo nền kinh tế thoát vòng xoáy suy thoái. Trợ cấp thất nghiệp và cứu trợ cho chính quyền bang và địa phương có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất.

Nếu muốn tận mắt chứng kiến tác dụng của gói kích thích, cứ tìm đến trường học: có lẽ hàng loạt giáo viên đã bị sa thải nếu gói kích thích không được thông qua. Đà rơi tự do đã chấm dứt. Số liệu về GDP tuần trước cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như Mark Zandi từ trang economy.com đã nói trong một buổi điều trần gần đây: “Gói kích thích đã làm điều nó phải làm: chặn đà suy thoái và thúc đẩy hồi phục kinh tế.”

Cứ cho là nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,5%, thất nghiệp rút cục sẽ phải giảm nhưng với một tốc độ rất, rất chậm.

Kinh nghiệm từ thời Clinton cho thấy khi kinh tế tăng trưởng trung bình 3,7% trong 8 năm, nếu may mắn tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm 0,5%/năm, tức là phải mất tới một thập kỷ để trở về trạng thái toàn dụng lao động.

Tệ hơn là không có gì đảm bảo kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ này. Gói kích thích sẽ phát huy tác dụng dần dần và có lẽ nó sẽ tạo ra tổng cộng 3 triệu việc làm nhưng tác động mạnh nhất của nó tới GDP thì đã ở phía sau.

Tăng trưởng bền vững sẽ chỉ tiếp diễn nếu đầu tư tư nhân lên tiếng khi ảnh hưởng của gói kích thích phai nhạt dần. Cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy điều đó đang diễn ra.

Vì thế chính phủ cần làm nhiều hơn nữa. Đáng buồn là tình hình chính trị lại không mấy khả quan.

Ở Washington hiện nay đang có hai luồng ý kiến: hoặc là (1) gói kích thích đã thất bại, thất nghiệp vẫn tăng, vì thế chúng ta không nên làm gì nữa, hoặc là (2) gói kích thích đã thành công, GDP đang tăng, vì thế chúng ta không cần làm gì nữa.

Gói kích thích vẫn còn quá nhỏ quả là một sự thật mà nền chính trị “mì ăn liền” khó mà lĩnh hội được. Nhưng chính phủ có đủ lực kích thích thêm? Thực tế, nền kinh tế sẽ không trụ được nếu không có gói kích thích.

Thất nghiệp cao không chỉ bất lợi cho nền kinh tế trong ngắn mà còn cả dài hạn.

Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, cả “hữu hình” như máy móc trang thiết bị hay “vô hình” như phát triển sản phẩm và đào tạo nhân công. Điều này sẽ đe dọa tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.

Những người chỉ trích thâm hụt phàn nàn rằng giới trẻ ngày nay sẽ phải đóng thuế cao hơn trong tương lai để trả nợ.

Nhưng bất kỳ ai thực sự quan tâm đến tương lai của giới trẻ Hoa Kỳ cũng sẽ thúc đẩy việc tạo thêm nhiều việc làm, vì gánh nặng thất nghiệp cao dồn lên vai lớp trẻ không như nhau và với những người tham gia lực lượng lao động trong những năm thất nghiệp cao, sự nghiệp của họ chịu nhiều tổn hại vĩnh viễn vì không bao giờ bắt kịp những người tốt nghiệp vào các giai đoạn tươi sáng hơn.

Kể cả lời khẳng định rằng chi tiêu kích thích kinh tế hiện nay rồi sẽ phải đóng thuế cao hơn sau này cũng hoàn toàn sai.

Chi tiêu để phục hồi kinh tế sẽ giúp nền kinh tế khỏe mạnh hơn, cả trong hiện tại và tương lai, nền kinh tế khỏe mạnh hơn tới lượt mình sẽ giúp nguồn thu của chính phủ dồi dào hơn.

Có lẽ không thể thu hồi hoàn toàn vốn từ chi tiêu kích thích kinh tế, nhưng chi phí thực tế của nó chỉ là một phần nhỏ so với những con số vẫn giăng đầy trên các mặt báo.

Minh Tuấn
Theo Nytimes