1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Đại biểu kêu chậm, đã tiêu được bao nhiêu?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội sốt ruột khi gói phục hồi được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng lại không được giải ngân "bằng một quyết tâm đặc biệt".

Rất thận trọng để tránh sơ suất

Quốc hội đã dành gần 2 ngày làm việc để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội. Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề về gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi tiến độ gói giải ngân chậm. Nhiều đại biểu còn lo ngại gói hỗ trợ chậm sẽ làm lỡ thời điểm "vàng" để phục hồi.

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Đại biểu kêu chậm, đã tiêu được bao nhiêu? - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói về tiến độ gói phục hồi kinh tế - xã hội trước Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Báo cáo kết quả thực hiện được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng đã ban hành được 11 văn bản trên 14 văn bản theo kế hoạch của Nghị quyết 11. 11 văn bản này gồm có 7 nghị định, 1 nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và một văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều văn bản chúng ta cũng ban hành trước thời điểm mà Nghị quyết 11 nhiệm vụ đề ra là trước tháng 3 năm nay. Ví dụ như Nghị định số 15 về giảm thuế ngày 28/1 hay Nghị quyết số 38 về chương trình phòng, chống dịch hay Quyết định số 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng ban hành trong tháng 3.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận vẫn có một số văn bản chậm hơn so với tiến độ của Nghị quyết 11 là ban hành trong tháng 4 và tháng 5.

Về lý do, lãnh đạo Chính phủ cho biết, thứ nhất, đây là chương trình và chính sách rất phức tạp, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Trong những chính sách thực hiện trước đó có những cái làm chưa tốt, còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Do đó, theo Phó Thủ tướng, trong quá trình xây dựng các bộ, ngành và Chính phủ cũng rất "thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì gói tiền rất lớn".

Thứ hai, nhiệm vụ này là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn. "Có nghĩa là chúng ta thực hiện phục hồi sau khi tác động của đại dịch, nó không phải là một nhiệm vụ thường xuyên, do đó cũng nảy sinh nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động được", Phó Thủ tướng giải thích.

Gần 350.000 tỷ đồng, đã tiêu được bao nhiêu?

Còn về thực hiện các gói hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho biết, tổng gói hỗ trợ chính xác là 347.000 tỷ đồng. Trong phần này, lãnh đạo Chính phủ nói phải phân tích mới biết là "chậm hay không chậm để chúng ta yên tâm".

Cụ thể, trong tổng số 347.000 tỷ đồng này có 46.000 tỷ đồng dùng quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vaccine và trang thiết bị y tế. Hiện nay, chúng ta cơ bản đã kiểm soát được dịch. Do đó, theo Phó Thủ tướng, việc sử dụng này tùy theo tình hình sắp tới xảy ra, nếu cần có thể chi và sử dụng ngay.

Nếu trừ khoản này ra, theo Phó Thủ tướng, sẽ còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng. Trong số này, con số thứ nhất là 125.000 tỷ đồng, bao gồm có 64.000 tỷ đồng là tiền miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43 ra đời thì 18 ngày sau, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 15, Nghị định số 15 này là giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 với lãi suất từ 10% xuống khoảng 8%.

"Hiện nay gói này thực hiện trong năm, do đó Chính phủ làm rất nhanh", Phó Thủ tướng nói và cho rằng nếu chúng ta thực hiện chậm thì ảnh hưởng, do đó làm rất nhanh.

Thứ hai, 38.400 tỷ đồng là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách. Hiện nay có 5 chương trình cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay chúng ta đã giải ngân được 4.586 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng của năm nay,

"38.000 tỷ đồng là 2 năm thì năm này nhiệm vụ phải giải ngân là 19.000 tỷ đồng. Như vậy chúng ta cũng giải ngân được 1/3. Có thể đánh giá, cùng với việc xây dựng chính sách thì Ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và chúng ta cũng giải ngân rất phù hợp và kịp thời", Phó Thủ tướng nói.

Còn về khoản 6.600 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, Phó Thủ tướng cho biết đã giải ngân được gần 2 tỷ đồng. "Thời gian sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương để thống nhất số liệu cho các địa phương để giải ngân gói này càng sớm càng tốt", Phó Thủ tướng nói.

Gói hỗ trợ lãi suất làm rất chặt chẽ để tránh vết "xe đổ"

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong gói 76.000 tỷ đồng có 2 khoản là hỗ trợ lãi suất của ngân hàng qua ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách. Qua ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng thì đã có Nghị định số 31. Nghị định này, theo Phó Thủ tướng, tuy có chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp hợp tác xã và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1/1.

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng: Đại biểu kêu chậm, đã tiêu được bao nhiêu? - 2

Các đại biểu Quốc hội sốt ruột khi gói phục hồi được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng lại không được giải ngân "bằng một quyết tâm đặc biệt" (Ảnh: Quốc Chính).

"Có nghĩa là từ đầu năm các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất 2%, với đúng ngành nghề mà nghị định đã quy định, đồng thời quyết toán với Nhà nước. Sau khi chúng ta quyết toán thì xem như gói này chúng ta thực hiện được từ ngày 1/1/2022", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải thích thêm, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2008 và 2009 chúng ta đã dành 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chính sách này trong thời điểm đó còn nhiều vấn đề bất cập, do đó lần này Chính phủ cũng rút kinh nghiệm làm một cách rất chặt chẽ.

Còn lại một khoản cuối cùng là 134.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng cho biết, số này dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông khoảng chừng 103.000 tỷ đồng. Theo Luật Đầu tư công nên gói này thực hiện chậm.

"Bình thường như những dự án đầu tư mà thực hiện đầu tư công là khi đưa vào kế hoạch đầu tư công đã mất 1 năm rưỡi. Do đó, trong danh mục hiện nay Chính phủ đã trình để cho các địa phương và các bộ, ngành trên cơ sở danh mục đó thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư, sau đó tổng hợp báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân phối chính thức", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, việc đã giải ngân được 22.000 tỷ đồng cũng là một tiền đề rất quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng gói hỗ trợ này chúng ta thực hiện tốt trong thời gian tới.

Đại biểu lo lỡ thời điểm vàng

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 1/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) băn khoăn khi gần nửa năm đã trôi qua mà các văn bản trong gói hỗ trợ vẫn chưa được ban hành.

"Tôi thống kê trong báo cáo Chính phủ đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thì có đến 5 nghị định của các bộ, ngành dự kiến ban hành trong tháng 5, nghĩa là chưa ban hành tính đến thời điểm 20/5 là thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội", bà Nga nói.

Theo bà này, Nghị quyết 43 của Quốc hội có hiệu lực thi hành trong 2 năm 2022-2023 và tính thời điểm của nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả cao nhất", bà Nga nói.

Cũng lo ngại khi gói hỗ trợ chậm triển khai, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho rằng nhiều mục tiêu đề ra sẽ khó thực hiện được trong hai năm tới.

Xét về nguồn lực, quy trình thủ tục hành chính và phân cấp, bà Mai nói, tất cả đều sẵn sàng và phân cấp tối đa, nên "thực tế không có lý do để chậm".

"Chúng ta có đang lãng phí cơ hội, thời gian? Nếu vậy có nghĩa là lãng phí ngân sách, nguồn lực. Chúng ta có một kỳ họp đặc biệt với ngân sách đặc biệt, nên cũng cần sự quyết tâm đặc biệt, một cách làm đặc biệt", bà nói và đề nghị Chính phủ làm rõ chậm ở đâu để tháo gỡ.