Góc nhìn: Đưa lãi suất huy động USD lên khỏi mặt đất
Trần 0% đã hoàn thành sứ mệnh, cần đưa nó lên để lôi nguồn vốn lên cho mục tiêu mới...
Sau hơn nửa năm, việc thực hiện trần lãi suất huy động USD 0%/năm đã đạt được kết quả đáng khích lệ, hoàn thành tốt sứ mệnh hạn chế sự găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá, bảo vệ vị thế VND và góp phần giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Nhưng, ở khía cạnh khác, về sử dụng nguồn vốn, chúng ta thấy, trong hàng chục năm qua, tín dụng ngoại tệ luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, vào những giai đoạn lãi suất VND leo thang, đây là nguồn lực có chi phí thấp hơn, rất giá trị cho các doanh nghiệp vay vốn.
Hiện nay, một hiện tượng đang hình thành, ngay cả khi lãi suất 0%, lượng lớn ngoại tệ vẫn nằm trong dân cư, thậm chí chuyển và gửi ra nước ngoài như “chảy máu”. Tranh thủ nguồn lực này là cần thiết, nhất là khi các điều kiện và bối cảnh để buộc phải áp trần 0% đã thay đổi.
Như một sự đấu tranh
Kể từ tháng 4/2016, theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngoại tệ bắt đầu thu hẹp lại. Nhưng, từ phía doanh nghiệp, có nhiều kiến nghị tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn này. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đang có định hướng xem xét.
Không phải bây giờ mới có yêu cầu trên. Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hai lần “đóng” rồi “mở” tín dụng ngoại tệ. Phải đóng rồi mở, phải cân nhắc như vậy cũng có lý do.
Ở đây giống như sự đấu tranh giữa hai mục tiêu. Một là yêu cầu chống đô la hóa, giảm bớt ảnh hưởng của đô la hóa đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, tăng chủ quyền và vị thế VND. Hai là hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu gặp khó khăn, nhà điều hành phải tìm cách, linh hoạt để tạo các kênh hỗ trợ, trong đó tín dụng ngoại tệ là một lựa chọn.
Dù tại những thời điểm khác nhau, rủi ro tỷ giá khác nhau, nhưng lãi suất vay USD thường thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND. Giá trị chi phí vay vốn ở đây là ý nghĩa đối với các doanh nghiệp.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xem xét mở lại tín dụng ngoại tệ, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động USD cũng cần được cân nhắc, để có sự đối ứng phù hợp.
Như trao đổi với VnEconomy vừa qua, tại thời điểm này, với thực trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết. Mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ “chia lửa” cho lãi suất VND.
Thứ nhất, được vay ngoại tệ, một nguồn vốn khá lớn còn “thừa” ở ngoại tệ, thậm chí ngân hàng phải gửi một phần ra nước ngoài, được bơm trở lại cho doanh nghiệp vay, tạo thêm nguồn cung. Thứ hai, có thêm nguồn cung này, nhu cầu vay VND được chia sẻ và giảm bớt áp lực. Cả hai yếu tố này đều góp thêm thuận lợi cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Tất nhiên, chúng ta có thể dự tính việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ tập trung cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Họ là những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả bằng chính ngoại tệ trong tương lai. Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, xuất khẩu gắn với đời sống kinh tế của nhiều hộ dân tạo nguyên liệu đầu vào, như ở nông lâm thủy sản… Cho nên, giá trị của việc mở lại này có sức lan tỏa rộng, chứ không chỉ riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn.
Lôi vốn “lên khỏi mặt đất”
Vấn đề là, khi mở lại cho vay ngoại tệ, tín dụng ngoại tệ sẽ tăng lên, các ngân hàng thương mại và cả Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý nguồn đầu vào - vốn huy động ngoại tệ.
Hiện nay, trần lãi suất huy động USD áp 0%/năm, khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Thậm chí còn lượng ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường, “chôn xuống đất” của một bộ phận không gửi vào ngân hàng khi không có lãi suất.
Một nguồn lực vẫn còn bị phân tán, thậm chí ứ lại, trong khi nguồn tại các ngân hàng thương mại có hạn chế về cơ cấu kỳ hạn, cần có kỳ hạn để ổn định nguồn và quản lý rủi ro thanh khoản.
Vì lý do đó, việc “đưa lãi suất USD lên khỏi mặt đất” là điều chỉnh cần được xem xét. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mở lại các kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ, áp các mức trần linh hoạt hơn như 0,25%, 0,5%... Ưu tiên nguồn huy động trung dài hạn để ổn định hơn nữa cơ cấu nguồn.
Đưa lãi suất USD lên khỏi mặt đất cũng đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là nâng lãi suất lên trên 0% sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi đang “chôn dưới đất” trong dân cư như đề cập ở trên.
Việc thu hút nguồn lực này càng cần thiết khi mà kinh tế Việt Nam năm 2016 đang dần hồi phục, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cao hơn những năm trước, hoạt động xuất nhập khẩu tăng dần, cầu vốn tăng lên, và như trên là sẽ góp phần “chia lửa” cho VND.
Nhưng cũng cần cảnh giác với phong trào “vượt rào” huy động vượt trần, kích thích sự dịch chuyển VND sang USD mà gây áp lực lên tỷ giá. Hay các tình huống đặt ra là, nếu làm vậy thì có đi ngược với mục tiêu chống đô la hóa không, có gây áp lực lên tỷ giá không, có trái với định hướng có thể áp lãi suất âm cuối 2015 Ngân hàng Nhà nước dự tính không?
Như một số chuyên gia nêu quan điểm gần đây, chống đô la hóa là một quá trình lâu dài, nó ở một tỷ lệ nào đó chấp nhận được.
Việc trở lại áp lãi suất huy động USD chắc chắn sẽ có tác động nhất định đối với tỷ giá, có thể có sóng sánh ban đầu. Nhưng chênh lệch lãi suất “đô - đồng” vẫn được giữ ở mức hấp dẫn. Quan trọng hơn là cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay đã có bộ khung chủ động, linh hoạt hơn rất nhiều so với trước để ứng xử tốt hơn với biến động trên thị trường.
Và dù gì đi nữa, định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước là vẫn ổn định tỷ giá. Đây cũng là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra trong các nghị quyết vừa qua.
Chính sách là tiên lượng
Cũng có câu hỏi nữa, việc trở lại áp lãi suất huy động USD có mâu thuẫn với chính sách lãi suất 0% áp dụng thời gian qua hay không, thậm chí lãi suất âm mà Ngân hàng Nhà nước từng dự tính? Câu hỏi này không quá quan trọng.
Cuối năm 2015, từ nhiều biến động lớn từ thị trường quốc tế, áp lực đối với chính sách tỷ giá rất lớn, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời. Trong đó có chính sách trần lãi suất USD 0%, đã góp phần quan trọng để giữ ổn định tỷ giá từ đó đến nay.
Trần lãi suất 0% đã hoàn thành sứ mệnh của một biện pháp quyết liệt và hiệu quả, trong mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, bảo đảm vị thế của VND và góp phần giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Nay, bối cảnh tác động bên trong và bên ngoài, cũng như các yêu cầu điều tiết các dòng vốn đã thay đổi. Và như trên, việc mở lại áp lãi suất huy động ngoại tệ theo các kỳ hạn là cần thiết, khớp với việc mở lại tín dụng ngoại tệ.
Điều đó cũng không mâu thuẫn về chủ trương và đường lối so với trước. Thay vào đó là sự linh hoạt của chính sách. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sau khi tăng lãi suất, họ dự tính sẽ tiếp tục tăng thêm các lần tiếp theo. Nhưng FED đã thay đổi, đúng hơn là linh hoạt với tình hình, để rồi đến nay đã gần nửa năm trôi qua họ vẫn chưa tiếp tục tăng lãi suất.
Gần đây, thị trường lại chú ý vào khả năng FED sẽ xem xét tiếp tục nâng lãi suất. Tất cả đều là sự tiên lượng của chính sách. Họ tiên lượng các tình huống, bám sát các điều kiện và bối cảnh để linh hoạt.
Ngân hàng Nhà nước từng tiên lượng có thể áp lãi suất âm với tiền gửi USD. Chúng ta xem xét đó là sự dự phòng của chính sách trước tình huống cần phải can thiệp, như định hướng cho thị trường.
Vấn đề đặt ra là trong hoạch định chính sách phải nhìn thấy trước các vấn đề xấu nhất để quản lý và vượt qua như vậy, để hướng tới mục tiêu tốt hơn.
Tiên lượng và linh hoạt để hợp lý. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công chính sách tiền tệ, tạo các điều kiện vốn để thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô mới chỉ là một phần. Nếu chỉ một mình ngạch ngân hàng và chính sách tiền tệ thì không thể trọn vẹn được, mà phải có sự đồng bộ tích cực, có trách nhiệm của tất cả các ngành liên quan.
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng
VnEconomy