1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Gốc của lạm phát tại Việt Nam là chính sách tài khóa”

Đó là góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khi nói về nguyên nhân lạm phát và hiệu lực chính sách.

“Quan điểm của tôi lâu nay, lạm phát có nhiều nguyên nhân nhưng gốc của lạm phát ở Việt Nam vẫn là chính sách tài khóa, do mình mở rộng chi tiêu như thế, mở rộng đầu tư như vậy và đầu tư kém hiệu quả”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

 

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 được công bố với mức tăng 3,32%, cao nhất trong gần 3 năm qua, đã tạo nên những nghi vấn về hiệu lực chính sách kiểm soát lạm phát đang thực thi hiện nay. TS. Nguyễn Đình Cung đã có những lý giải khá mới mẻ.
 
“Gốc của lạm phát tại Việt Nam là chính sách tài khóa”     - 1
"Quan điểm của tôi lâu này là thâm hụt ngân sách, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước mới là cái gốc".

 

Ông cho rằng:

 

- Doanh nghiệp nhà nước gần như hoạt động đầu tư đều dựa vào tín dụng mà chính sách tiền tệ của ta thật ra không hoàn toàn độc lập như ở các nước, vẫn là phục vụ cho tăng trưởng, phục vụ tài khóa nhiều. Cho nên, nếu thắt được tài khóa thì mới thắt được tín dụng.

 

Quan điểm của tôi lâu này là thâm hụt ngân sách, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước mới là cái gốc, cái quan trọng nhất, nếu như chưa thắt chặt được cái đó thì cung cầu tín dụng căng thẳng do nhu cầu vốn vẫn lớn, nhiều khi tín dụng vẫn mở, tiền vẫn tung ra và lãi suất vẫn tăng, đương nhiên là lạm phát cao.

 

Nếu thắt chặt tài khóa thì cung tín dụng mới có thể giảm xuống. Nhưng mấy năm vừa rồi, tài khóa mở rộng và tiền tệ cũng mở rộng. Mà tại sao mở rộng? Là bởi vì mô hình tăng trưởng của ta quá nhấn mạnh vào số lượng đầu tư, coi đó như là một động lực của tăng trưởng.

 

Tiền tệ mở rộng, tổng phương tiện thanh toán M2 hiện đã khoảng 130% GDP. Tiền nhiều hơn hàng thì gây nên lạm phát.

 

Chính sách tiền tệ không được độc lập

 

Nhưng quan điểm chống lạm phát hiện nay là phải song hành cả tài khóa và tiền tệ, thưa ông?

 

Nói đến tài khóa và tiền tệ, theo tôi tiền tệ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, tài khóa về căn bản chỉ tác động đến khu vực nhà nước. Nói đến khu vực nhà nước là chủ đạo, là rất quan trọng thì trong mọi trường hợp anh phải đi đầu, đặc biệt là trong chống lạm phát, phải cắt giảm chi tiêu.

 

Vì tôi cho rằng cái căn bản của lạm phát Việt Nam vẫn là tài khóa, giả sử cắt được tài khóa nhiều thì cung tiền có thể mở rộng thêm để chuyển tín dụng sang khu vực khác. Còn nếu chưa cắt được khu vực nhà nước thì bằng cách này hay cách khác, tín dụng nó vẫn tìm về với khu vực nhà nước.

 

Nếu như vậy, chỉ tiêu tín dụng vẫn tăng 5% trong quý 1/2011, song hành cùng đầu tư từ ngân sách vẫn cao cũng củng cố thêm quan điểm của ông về chính sách tiền tệ chưa độc lập?

 

Lâu nay, chính sách tiền tệ đã không được độc lập rồi. Chính sách tiền tệ của mình vẫn là phục vụ cho tăng trưởng, cho mục tiêu của Chính phủ chứ không hoàn toàn là chính sách tiền tệ độc lập như nước khác.

 

Chính sách tiền tệ độc lập phải là chính sách có một mục tiêu duy nhất là ổn định giá trị đồng tiền. Chống lạm phát chỉ là ở thời điểm lạm phát thì nó ưu tiên, còn dài hạn thì là mục tiêu duy nhất như tôi đã nói. Ta thì hơi nhiều mục tiêu.

 

Nói đến chính sách tiền tệ phục vụ tài khóa, ông bình luận thế nào về con số bội chi ngân sách 2,6% trong quý 1/2011, được Bộ Tài chính công bố?

 

So với cùng kỳ năm trước thì so sánh cũng không phải tỷ lệ thấp nhiều (quý 1/2010 bằng khoảng 3% GDP - PV). Nhưng quan trọng hơn là bội chi ngân sách năm nay vẫn dự kiến khoảng 5%, không giảm nhiều so với nhiều năm trước.

 

Khó hy vọng cắt giảm đầu tư

 

Những thông tin công bố chính thức thì với tài khóa thắt chặt, vốn trái phiếu Chính phủ không cho kéo dài giải ngân, không cho điều chuyển vốn từ 2012 sang sẽ cắt giảm được trên 50 nghìn tỷ đồng đầu tư năm nay. Ông bình luận gì?

 

Tôi cũng nghe nhiều về con số này nhưng chưa hiểu đằng sau nó là cái gì. Bây giờ thế này, cứ giả sử vốn năm ngoái kế hoạch là 100 tỷ đồng, giải ngân mới được 70 tỷ đồng thì còn 30 tỷ đồng chuyển sang năm nay. Nếu không cho kéo dài thì địa phương sẽ phải lấy nguồn vốn khác để giải ngân cho năm nay.

 

Thế thì, việc đầu tư đó vẫn thực hiện, tôi không thấy sự cắt ở đâu cả. Chỉ có khác là vốn ấy lấy từ nguồn khác. Vậy nguồn khác lấy từ đâu?

 

Còn vốn ứng của năm sau, ví dụ năm 2012 mới có mà năm nay đã chi tiêu rồi. Tôi cũng không hiểu, vì sao lại có thể có một kế hoạch ngân sách lấy của năm sau chi cho năm nay. Nếu như sang năm 2012 chi không đủ thì lại lấy 2013 chi tiếp, tức là lấy kế hoạch đầu tư của tương lai, của thế hệ sau chi cho hôm nay?

 

Cuối cùng, bản chất vẫn là đi vay để phục vụ cho đầu tư của năm nay, và bội chi ngân sách còn cao hơn nữa. Như thế thì nhu cầu vốn cao hơn và không có cách nào khác tiền tệ phải phục vụ cho chi tiêu ngân sách.

 

Về các khoản thay thế cho vốn không được kéo dài giải ngân, ở địa phương có một số khoản thu không phải chuyển về trung ương như thu từ xổ số, thu tiền sử dụng đất, phí môi trường… Nếu địa phương tăng nguồn thu này lên thì thế nào?

 

Bây giờ giả sử họ lấy nguồn khác mà không phải vốn nhà nước cấp cho năm nay, ví dụ bán đất đai, huy động nguồn thu từ xổ số…, thì tổng đầu tư sẽ không giảm. Mình cắt đi để hy vọng giảm tổng đầu tư, nhưng như thế này thì có thể không giảm được.

 

Đúng như ông nói, trong hai báo cáo cắt giảm đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện sau Nghị quyết 11, các địa phương có vẻ như rất khó cắt. Vấn đề đằng sau nó là gì?

 

Cái đó thì hiểu được. Bởi vì, nếu nói là cắt giảm các dự án không cần thiết, không hiệu quả thì chẳng ai, trên thực tế, thừa nhận dự án này không hiểu quả, dự án kia không cần thiết.

 

Bởi vì, một dự án được thông qua thì phải qua một quy trình đề xuất dự án, xây dựng dự án, thẩm định dự án và rất nhiều người tham gia vào đó. Không thể nói lại là không hiệu quả, không cần thiết. Vì như thế thì chẳng hóa ra từ xưa đến giờ vẫn có những nơi, nhưng chỗ đầu tư vào dự án không hiệu quả?

 

Trên thực tế, người ta vẫn nhìn thấy dự án không hiệu quả. Nhưng nếu xét về mặt quy trình như thế khó có thể bác được người ta.

 

Và cũng không thể tự mình lại soi xét vào những việc lâu nay mình vẫn làm như kiểu ủy ban nhân dân tỉnh nhìn lại những việc mình đã làm, đã đầu tư như thế... Đó là mới nói những việc rất khách quan, chưa nói lợi ích đan xen gì cả.

 

Cho nên, khó có thể đưa ra cắt giảm theo những tiêu chí chung chung và tự đơn vị rà soát cắt giảm thì khó có thể thực hiện được. Trong bối cảnh hiện nay thì phải có tiêu chí rõ ràng, loại nào cắt thì dứt khoát phải cắt và phải có cơ quan bên ngoài thực hiện.

 

Nếu nói theo quy trình thì dự án nào cũng quan trọng cả thì khi rà soát có xảy ra tình trạng xin cho không?

 

Nếu đúng là như thế thì "ông" nào vào danh sách cắt giảm bây giờ? Thì có thể là những dự án của những chủ đầu tư yếu thế hơn, khả năng vận động ít hơn so với chủ đầu tư khác chẳng hạn, thì khả năng bị cắt giảm nhiều hơn.

 

Theo tôi, với cách cắt giảm tự rà soát, tự đánh giá với những tiêu chí như thế, không đơn giản. Cho đến nay, kết quả chúng ta nhìn thấy vẫn chưa đạt được như mong muốn.

 

Cần tín hiệu chính sách rõ ràng hơn

 

Với những kết quả thắt chặt của chính sách tài khóa như vừa được công bố, theo ông còn có độ trễ nào nữa không để cắt giảm đầu tư tác động đến lạm phát?

 

Chính sách tài khóa tác động đến lạm phát thì không ai biết là độ trễ bao nhiêu nhưng với chính sách tiền tệ, theo dõi quá trình thì độ trễ khoảng 4-5 tháng. Tài khóa thì không biết là bởi vì chưa thấy cắt giảm bao giờ…

 

Thế trường hợp năm 2008, lạm phát 3 tháng cuối năm âm…

 

Âm vào thời điểm đó có nhiều yếu tố, một mặt mình thắt chặt chính sách từ đầu năm, một mặt còn do khủng hoảng từ bên ngoài tác động đến.

 

Năm nào bội chi cũng vẫn lớn và với tài khóa, chi thường xuyên vẫn đều đều như thế, chi đầu tư đầu năm nhỏ, cuối năm mở ra thì vẫn chi như vậy và thậm chí mở rộng hơn. Năm nay bội chi vẫn 5% thì chưa khác nhiều với trước.

 

Phải có một cái gì thật là đột biến thì lúc đó mới biết được chính sách tài khóa tác động sau bao nhiêu tháng. Chứ nếu như điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh giá điện, xăng dầu thì gần như tác động ngay tức thời và tác động nhiều vòng.

 

Nhân đây cũng có ý kiến cho rằng, các chính sách kiểm soát lạm phát được ban hành vừa qua dường như mới nhìn vào phía kiểm soát tổng cầu, chưa có giải pháp giảm chi phí đẩy, thưa ông?

 

4 tháng đầu năm nay, cầu kéo và chi phí đẩy đều có tác động. Cầu kéo thì liên quan đến chính sách tiền tệ phải 4-5 tháng sau mới có tác động rõ ràng, nhưng chi phí đẩy thì tác động ngay lập tức, cho nên nó đưa lạm phát lên, mà lại thực hiện điều chỉnh dồn dập nhiều thứ một lúc. Cho nên, 4 tháng đầu năm nay, phần lớn tác động là chi phí đẩy.

 

Để tăng kỳ vọng lạm phát đến quý 3 năm nay sẽ giảm, theo tôi tín hiệu chính sách kiềm chế lạm phát phải rõ ràng hơn. Hiện nay mà nói, tôi cho rằng về mặt tín hiệu chính sách thì tiền tệ nhìn rõ ràng hơn là tài khóa.
 
Theo Anh Quân
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm