"Gỡ khó" cho doanh nghiệp nữ chủ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhờ những chương trình hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể vượt qua khó khăn, gia tăng lợi thế kinh doanh hậu Covid-19.

Chật vật vì khó khăn

Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard năm 2021 (MIWE 2021), với 26,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước do phụ nữ làm chủ, Việt Nam xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này thuộc phạm vi siêu nhỏ, 42% là vừa và nhỏ, và chỉ có 1% là doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng thứ 51 về chỉ số "Tiếp cận tài chính", trong khi Thái Lan đứng thứ 29 và Indonesia đứng thứ 34.

Cũng theo báo cáo này, tổng giải ngân cho những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ đạt được 5% tổng khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Dưới tác động của Covid-19, 87% nữ chủ doanh nghiệp đối mặt với tác động tiêu cực và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có nguy cơ đóng cửa cao hơn so với các doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo (khoảng 7%).

Bà Dương Thị Mỹ Trang - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Nguyên Thịnh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - chia sẻ lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp là làm điện năng lượng mặt trời, quy mô 2ha, trải dài trên 20 điểm. Nếu trước Covid-19, việc bán điện mang lại doanh thu cho công ty lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm thì sau đó tất cả trở về số 0.

"Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Vì Covid-19, sản lượng điện làm ra không tiêu thụ hết nên bắt buộc tôi phải cắt giảm công suất, điều này kéo theo cắt giảm mọi chi tiêu khác liên quan đến nhân công, tiền lương, chi phí hoạt động. Sau này khi bình thường trở lại, doanh nghiệp lại lâm vào cảnh thiếu hụt về vốn do không có dòng tiền. Tôi cảm thấy vô cùng áp lực", bà Trang cho hay.

Việc một số doanh nghiệp nữ chủ gặp thiệt thòi trong việc tiếp cận cơ hội, phát triển sự nghiệp, tiếp cận dịch vụ tài chính từ hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như một số doanh nghiệp vi mô thường hoạt động theo kiểu tự phát, thiếu các chuẩn mực về quản lý chuyên nghiệp nên vận hành không ổn định, thiếu tài sản đảm bảo hợp lệ, bất bình đẳng giới…

Điều này đã tác động không nhỏ khi một số doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh hoặc thỏa mãn điều kiện nhận hỗ trợ từ những tổ chức tín dụng.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Với mục tiêu gỡ khó, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nữ chủ, góp phần thúc đẩy phát triển cân bằng tại Việt Nam, từ năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại đã tiên phong cấp vốn và triển khai hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nữ chủ theo dự án "Hỗ trợ giảm thiểu tác động của Covid-19 cho WSME", lấy nguồn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Gỡ khó cho doanh nghiệp nữ chủ - 1
CEO của Nguyên Thịnh khẳng định doanh nghiệp được tiếp cận thêm các ưu đãi dịch vụ có lợi như chi lương, chuyển tiền nội địa… bên cạnh gói tài trợ tín dụng (Ảnh: SHB).

Tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các doanh nghiệp nữ chủ đang gặp khó khăn bởi Covid-19 được ngân hàng này miễn phí cơ cấu khoản vay, hỗ trợ 6 tháng tiền lãi (đối với khách hàng thuộc diện cần cấu trúc nợ); tài trợ phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay (đối với các khách hàng vay mới), đồng thời được miễn, giảm toàn bộ các loại phí liên quan… Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 10.000 USD, trích từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Sau khi tiếp cận với gói vốn ưu đãi của SHB, công ty Nguyên Thịnh cho hay đơn vị đã phần nào vượt qua được khó khăn, có nguồn tiền để trả lương nhân viên, đầu tư máy móc, thiết bị, qua đó hồi phục doanh thu khoảng 70 - 80% so với trước dịch. Bà Trang còn được SHB hỗ trợ tư vấn, đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, giúp nữ CEO này áp dụng cách điều hành và quản trị doanh nghiệp hiện đại vào công ty mình.

"Nhờ ngân hàng trợ lực cả về tài chính và phi tài chính nên tôi đã nhẹ gánh hơn rất nhiều. Tôi còn được tiếp cận thêm các ưu đãi dịch vụ có lợi khác như chi lương nhân viên, chuyển tiền nội địa… góp phần đẩy nhanh quá trình giao thương", bà Trang nói.

Để giao dịch tài chính thuận lợi, SHB dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nữ chủ như tặng tài khoản số đẹp cho doanh nghiệp và lãnh đạo, miễn phí 100% dịch vụ chi hộ lương, miễn phí gói internet banking, phí chuyển tiền trong nước, miễn phí gói Combo tài khoản thanh toán Standard và phí sử dụng trong vòng 6 tháng.

"Trao quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa là động lực cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng tôi hy vọng dự án Hỗ trợ giảm thiểu tác động của Covid-19 cho WSME sẽ là nguồn động lực lớn cho các nữ doanh nhân, đồng hành cùng họ xử lý các khó khăn về nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp", đại diện SHB chia sẻ.

Gỡ khó cho doanh nghiệp nữ chủ - 2
Đại diện Ngân hàng SHB chia sẻ, trao quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa là động lực cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế (Ảnh: SHB).

Theo thống kê từ SHB, tính đến hết năm 2022, SHB là ngân hàng dẫn đầu trong số 5 ngân hàng tham gia dự án của ADB với tổng số tiền viện trợ không hoàn lại đã rút từ ADB để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng là 1,7 triệu USD (tương đương gần 40 tỷ đồng).