Giữ gạo để giữ giá

(Dân trí) - Chủ trương tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong thời điểm mặt hàng này đang có mức giá cao là để tính toán lượng lương thực dự trữ, bên cạnh đó cũng là cách để tính toán thời điểm thích hợp xuất khẩu vì lợi ích của người dân…

Tiến sĩ Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đã cho Dân trí biết như vậy khi đề cập đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời điểm thế giới đang đối mặt với những khó khăn về lương thực.

Lý do cơ bản nhất để tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo, thưa ông?

Thứ nhất là ta chưa biết năng suất của vụ đông xuân miền Bắc sẽ như thế nào cả, đến bây giờ chúng ta mới biết vụ đông xuân ở ĐBSCL có sản lượng tăng khoảng 250 - 300 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, vụ hè thu ở phía Bắc cũng là vụ lắm bấp bênh, vì dễ gặp bão lũ, sản lượng có thể sụt giảm. Và ở phía Nam cũng có thể gặp trở ngại, trên thực tế có những năm có thể gặp sâu bệnh hại lúa tăng cao.

Nói tóm lại ở thời điểm này ta mới thấy được tăng sản lượng từ vụ đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long, còn sản lượng của các vụ khác, của cả năm chúng ta chưa thấy. Do đó chưa ai dám chắc sản lượng lúa của mình có thể đạt được 36 triệu tấn trong năm nay theo kế hoạch hay không. Do đó, nếu vụ đông xuân miền Bắc sản lượng sụt giảm, vụ mùa miền Nam cũng sụt giảm thì lúc đấy an ninh lương thực quốc gia có thể bị ảnh hưởng.

Lý do thứ hai là nhằm quyền lợi của các doanh nghiệp và của bà con nông dân trong xu thế giá gạo thế giới đang tăng lên, nếu như ta ký ngay từ bây giờ thì có thể không đạt được hiệu quả cao, bởi xu hướng giá gạo thể giới đang cao mà ta ký thêm thì phần lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi nhuận của các bà con không thể cao bằng nếu lùi lại khoảng quý ba sắp tới.

Thời điểm giá gạo đang cao nhưng dừng ký thêm hợp đồng thì có ảnh hưởng như thế nào đến nông dân, thưa ông?

Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 2/4 đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký hợp đồng mới cho đến tháng 6/2008 nhằm bảo đảm an ninh lương thực cũng như ổn định giá cả các mặt hàng này trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tôi nghĩ chắc sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, thực ra hợp đồng đã ký đã chiếm 2,2 triệu tấn thì các doanh nghiệp họ cũng mua lúa của bà con một cách bình thường. Còn với giá thị trường đang lên như thế này, rõ ràng bà con cũng muốn trữ gạo lại để bán với giá cao hơn, do đó việc tạm dừng ký thêm hợp đồng mới là hoàn toàn phù hợp, nếu có ảnh hưởng thì cũng không nhiều.

Nhưng khi hợp đồng xuất khẩu mới bị tạm dừng, người ta lo ngại giá gạo trong nước sẽ giảm xuống và một lần nữa bà con nông dân chịu thiệt?

Cho đến hiện giờ thì chúng tôi cũng chưa thấy những tác động theo chiều hướng giảm giá gạo trong nước xuống. Hiện nay mới chỉ có ĐBSCL mới vào vụ thu hoạch, còn phía Bắc mới đang trong thời kỳ chăm sóc lúa nên chưa thể biết năng suất đạt được bao nhiêu.

Rõ ràng việc nói tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu làm giảm giá gạo trong nước là không có. Trên thực tế diễn biến thì chưa có hiện tượng tạm dừng xuất khẩu gạo mà giá mặt hàng này trong nước tụt hẳn xuống.

Nhưng khả năng giảm giá trong thời gian tới liệu có xảy ra?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vụ đông xuân của phía Bắc sắp tới được mùa hay không. Nếu vụ đông xuân miền Bắc được mùa thì giá gạo có thể giảm đôi chút.

Nếu vụ mùa miền Bắc tiếp tục thắng lớn, như ông ông thì giá sẽ giảm, vậy lúc đó mình sẽ xử lý như thế nào, có tiến hành ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới?

Tôi nghĩ Chính phủ sẽ giao cho chúng tôi xem xét tình hình, lúc đó sẽ có những điều chỉnh hợp lý. Đây là vấn đề hết sức mềm dẻo chứ không theo khuôn mẫu cứng nhắc nhất định.

Sau thời điểm tháng chín chúng ta có tính ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo mới?

Sau thời điểm đó nếu biết chắc được tình hình về sản lượng lúa thì Chính phủ sẽ tính toán và cho phép điều chỉnh, nếu sản lượng lúa đạt 36 triệu tấn theo kế hoạch đặt ra thì chắc chắn phải ký thêm hợp đồng.

Với mức 36 triệu tấn sau khi trừ mức chi dùng trong nước thì ta thừa khoảng 8 triệu tấn thóc (tương đương 4 triệu tấn gạo), đến tháng chín mà thấy đạt thì ta sẽ ký thêm hợp đồng và chỉ tiêu tiêu xuất khẩu của Chính phủ là xuất khẩu 4 triệu tấn gạo trong năm nay.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn được tiếp tục xuất khẩu gạo theo như hợp đồng đã ký trước đó với giá cao, nhưng việc tạm dừng ký thêm hợp đồng mới làm cho số lúa thu hoạch của nông dân không tiêu thụ được, phải chăng chúng ta đang đẩy khó khăn cho người dân?

Sao lại nói rằng doanh nghiệp được lợi mà đẩy khó về nông dân? Tôi nghĩ rằng phần doanh nghiệp xuất hết 2,2 triệu tấn đã ký đó thì họ vẫn phải mua hết số lúa của bà con sản xuất hiện nay.

Bởi thực tế xuất khẩu 4 triệu tấn là cho cả năm trong khi ta mới chỉ ký được 2,2 triệu tấn, do đó các doanh nghiệp cũng phải mua.

Nhưng doanh nghiệp sẽ mua lúa của của nông dân với mức giá “mềm” hơn so với giá mà các doanh nghiệp này xuất khẩu? Liệu có khả năng ép giá khi số lúa thu hoạch không được xuất khẩu, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng sẽ không có tình trạng đó. Bởi các doanh nghiệp với những hợp đồng đã ký thì phải tiếp tục mua để xuất cho đủ, trong xu thế giá gạo đang lên thì chắc chắn sẽ có hiện tượng có hộ sẽ giữ lại thóc để chờ giá cao hơn, trong trường hợp như thế thì không thể ép giá nông dân được, thậm chí người dân có thể chủ động chờ giá lên.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)