1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giữ chữ “tín” khi thâm nhập thị trường Nhật Bản

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu thông tin về thị trường Nhật Bản cũng như kinh nghiệm làm ăn với các doanh nghiệp bản xứ. Muốn kinh doanh tốt ở thị trường này, cần giữ chữ “tín”…

Đó là đánh giá và định hướng của ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM tại hội thảo “Tác động 2 năm thực hiện hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ Nhật Bản” diễn ra vào ngày 23/11. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp của 2 nước.

Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản tăng

Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam và luôn giữ vai trò là một thị trường quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Trong nhiều năm qua, Chính phủ hai nước luôn quan tâm, chỉ đạo, thúc đẩy mở rộng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước và luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngày 25/12/2008, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức ký Hiệp định đối tác kinh tế VJEPA, tạo thành một khuôn khổ pháp lý ổn định, thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 và là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của Việt Nam.

Giữ chữ “tín” khi thâm nhập thị trường Nhật Bản - 1
Doanh nghiệp Việt Nam cam kết giữ chữ "tín" khi xuất khẩu vào thị trường Nhật

Hai năm qua, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính của thị trường TPHCM như Hoa Kỳ, EU còn đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế. Chính vì vậy, việc giảm rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản thông qua thực hiện hiệp định VJEPA đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu đối với hàng hóa Việt Nam nói chung và sản phẩm xuất khẩu của TPHCM nói riêng. Qua hơn 2 năm thực hiện hiệp định VJEPA, một số mặt hàng xuất khẩu của TPHCM đã tận dụng tốt các ưu đãi trong Hiệp định để đạt tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt là dệt may, thủy sản.

Mặc dù trong năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM với Nhật Bản đạt 3,3 tỷ USD, giảm 19,7% (cả nước đạt 13,76 tỷ USD, giảm 26,2%) thì năm 2010 kim ngạch này đã đạt 3,87 tỷ USD, tăng 17,4% (cả nước đạt 16,744 tỷ USD, tăng 21,7%). Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Coi trọng chữ “tín” với đối tác Nhật

Hiện nay, tuy chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn thực hiện lớn nhất và nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản như rào cản kỹ thuật đối với hàng nông, thủy sản; tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu khắc khe về chất lượng sản phẩm, chi phí cao và hệ thống phân phối phức tạp… “Có những mặt hàng, khi nhập vào các nước Hoa Kỳ, EU được chấp thuận nhưng thị trường Nhật Bản vẫn từ chối vì những yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng rất khắt khe”, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết. Người tiêu dùng Nhật có thẩm mỹ cao, tinh tế và rất chú ý đến từng chi tiết về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm. Những vết xước nhỏ, mẫu chỉ cắt còn sót lại trên mặt sản phẩm dệt may, bao bì xô lệch… thường làm cho lô hàng khó bán, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất lâu dài.

Giữ chữ “tín” khi thâm nhập thị trường Nhật Bản - 2
Hai năm qua, ngành thủy sản xuất khẩu sang Nhật có mức tăng lớn nhất.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM đã chia sẽ những kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, thiết lập quan hệ tốt với các công ty nước bạn; quản lý chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt và chú ý xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản  như Cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO)… để có nhiều cơ hội giao thương…

“Các doanh nghiệp Nhật Bản thường có quá trình tìm hiểu rất kỹ về đối tác tiềm năng trước khi có quyết định làm ăn lâu dài dù đôi khi đơn hàng có khối lượng không lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam có kết quả kinh doanh tốt tại thị trường Mỹ, EU nhưng lại chưa có kết quả tương tự ở thị trường Nhật. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần giữ chữ “tín” khi làm ăn với các đối tác, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản…”, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết.

Công Quang