Giống cây biến đổi gen: Chưa đủ đánh giá toàn diện đã cho trồng đại trà?

(Dân trí) - Theo một vị chuyên gia thuộc Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, ngô biến đổi gen mới chỉ được các công ty đã được cấp chứng nhận đưa vào trồng thí điểm và chưa đủ bằng chứng để kết luận xem có phù hợp hoàn toàn hay không.

N
Ngô biến đổi gen mới chỉ được các công ty đã được cấp chứng nhận đưa vào trồng thí điểm và chưa đủ bằng chứng khoa học để kết luận xem có phù hợp hoàn toàn trên diện rộng hay không.

Chưa đánh giá được tác động kinh tế

Nông sản Việt vốn vẫn rất đau đầu với bài toán đầu ra, với câu chuyện "được mùa rớt giá”, được giá thì ồ ạt trồng, rồi thiếu đầu ra phải bán đổ bán tháo. Một vị giáo sư trong ngành thừa nhận: “Các Bộ vẫn chưa kết nối được giữa người nông dân và doanh nghiệp, vẫn chưa nắm bắt thị trường để tổ chức lại sản xuất nhằm có được sản phẩm có thương hiệu. Họ luôn khuyến khích nông dân trồng cái này đi, trồng cái kia đi nhưng người nông dân trồng xong lại không tìm được đầu ra".

Quay trở lại với cây ngô biến đổi gen, trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam cho thương mại hoá câu trồng biến đổi gen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Sau 5 năm khảo nghiệm theo đúng chuẩn mực quốc tế đã đi đến kết luận cuối cùng đây là những cây trồng an toàn về mặt sinh học, sinh thái; an toàn đối với gia súc và con người. Những thông tin khảo nghiệm trong nước và thông tin ở nước ngoài cho thấy trồng cây ngô biến đổi gen đem lại cho người dân thu nhập cao hơn".

Có thể thấy, ngay cả khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận cho trồng và sản xuất đại trà trong nước thì các lý do về mặt kinh tế được đưa ra cũng chung chung như “mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân”. Trong khi các câu hỏi về giống, về năng suất, về khả năng thích ứng trên từng vùng, từng địa phương vẫn chưa được cơ quan này nhắc tới cụ thể.

Theo một vị chuyên gia thuộc Bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp), ngô biến đổi gen mới chỉ được các công ty đã được cấp chứng nhận đưa vào trồng thí điểm và chưa đủ bằng chứng khoa học để kết luận xem có phù hợp hoàn toàn hay không. 

"Hiện các công ty này đã trồng ở ruộng thí điểm tại Vĩnh Phúc được vài vụ, độ dài chưa đủ để đưa ra bằng chứng kết luận rằng có thể phát triển trên diện rộng hay không”, vị này nói. 

Đại diện từ cơ quan được cho là đơn vị nghiên cứu chính sách và chiến lược cho ngành nông nghiêp theo  phân công của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn này cũng cho hay, các đánh giá về tác động kinh tế tới các đối tượng nông dân, tác động tới môi trường mới đang chuẩn bị được thực hiện và dự kiến sẽ công bố trong tháng 10 tới đây.

Bên cạnh đó, câu hỏi về nguy cơ nhiều thị trường nhập khẩu nông sản lớn của chúng ta hiện nay luôn sẵn sàng "cạch mặt" các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc biến đổi gen cũng được trả lời là “chưa được kiểm chứng và nghiên cứu".

“Thực tế, hầu hết giống phải qua công ty nước ngoài, hiện nay mình chưa sản xuất được. Tuy nhiên, lo ngại người nông dân sẽ phải phụ thuộc vào nguồn giống từ các công ty đa quốc gia chưa được kiểm chứng. Chúng tôi mới đang chuẩn bị đi điều tra về giống ngô biến đổi gen thôi”, ông này nói.  

Điểm đáng lưu ý là những nghiên cứu đánh giá này được thực hiện sau khi cơ quan quản lý “cấp phép” cho trồng. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm khi người nông dân quá chân thật, chỉ biết cái lợi trước mắt một người trồng thì lợi nhuận quá cao rồi bắt đầu kéo nhau ồ ạt sản xuất để rồi sau đó bị ép giá giống như ớt xuất khẩu, dưa hấu…? 

Vẫn băn khoăn về câu hỏi an toàn

Trong một buổi toạ đàm diễn ra cách đây chưa lâu, các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam đều lên tiếng khẳng định thực phẩm biến đổi gen đã sử dụng gần 20 năm nay và chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào mà nó gây ra. Thông tin đưa ra cũng cho biết, hiện Việt Nam đang có hàng rào kép về an toàn sinh học của cây biến đổi gen khi chỉ sử dụng khi 5 nước phát triển (Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc và EU) cho phép. 

Dù nhận được nhiều cam kết an toàn nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn không tránh khỏi nhiều băn khoăn, lo ngại. Thậm chí có nhiều ý kiến tiêu cực về việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen và không ngần ngại kêu gọi: “Tôi phản đối quyết liệt thực phẩm biến đổi gen, lợi bất cập hại. Nước ngoài người ta cấm từ lâu. Đề nghị đông đảo mọi người hãy tẩy chay. Đề nghị các nhà khoa học có lương tri hãy bền bỉ, cương quyết…”

Cũng có nhiều ý kiến nghi ngại rằng: “Những hạt giống biến đổi gen khi trồng xuống thì đất tại đó sẽ khó có thể trồng các loại cây khác, sinh vật trên đất đó cũng khó sống nếu không tiến hoá, thích nghi với sự độc hại của môi trường. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, tại các nước trồng cây biến đổi gen, số lượng ong và các loại khác đảm giảm kỳ lạ và bất ngờ”. 

Trong khi đó, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan điều hành: “Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những giống biến đổi gen sẽ làm suy giảm nguồn giống truyền thống trong khi những giống biến đổi gen thay thế thì ở chiều hướng đi ngang hoặc đi tụt lùi? Rồi 10 năm, 20 năm nữa, những thứ chất độc hại tích tụ lại thì kiện ai?"

Trên thực tế, những nghi ngại của người tiêu dùng không hẳn là không có cơ sở khi trên thế giới người dân rất nhiều nước vẫn đang quay lưng lại với thực phẩm biến đổi gen, trong đó bao gồm cả các quốc gia phát triển như Nhật, các nước châu Âu hay thậm chí ngay tại chính quốc của nước sản xuất ra những hạt giống biến đổi gen.

Đơn cử như Pháp đã từng yêu cầu cơ quan quản lý nông nghiệp của EU ngừng cấp phép sử dụng một giống ngô biến đổi gen của Monsanto do gây tác động xấu tới môi trường. Phó Thủ tướng Nga từng tuyên bố Nga không trồng cây biến đổi gen mà sẽ chọn một con đường khác trong khi đó Nhật cấm hoàn toàn.

Nước Úc chỉ cho thương mại hóa cây bông vải, cải dầu và hoa biến đổi gen nhưng không cho phép trồng các cây lương thực biến đổi gen. Ngay tại Đông Nam Á, Việt Nam mới là quốc gia thứ hai cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen sau Philippines.

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia nhắc lại câu chuyện, cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (thuộc Tổ chức Y tế thế giới) từng đưa ra danh mục một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có thể có nguy cơ gây ung thư trong đó có chất glyphosate. Đây là thành phần chính của các loại thuốc trừ cỏ trong canh tác giống bắp biến đổi gen.

“Không phải vô cớ mà nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Nga… rất thận trọng với giống cây trồng này. Lợi ích kinh tế thì gần ngay trước mắt còn hiểm họa sức khỏe… chớ có ai mạnh miệng tuyên bố rằng nó hoàn toàn an toàn. Nghiên cứu cần có thời gian và có đủ số liệu đáng tin cậy. Tôi tin rằng sự thật vẫn còn nằm đâu đó ở thì… tương lai”, vị chuyên gia nông nghiệp này nghi ngại.


Phương Dung


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”