Giới siêu giàu đầu tư ra sao trong năm 2022?
(Dân trí) - Lạm phát được coi là "bóng ma" đối với không chỉ nền kinh tế mà còn đối với cả giới tỷ phú trong năm 2022 này. Vậy giới siêu giàu sẽ đầu tư ra sao?
"Cũng như mọi nhà đầu tư khác, giới siêu giàu lo ngại về lạm phát và tìm mọi cách để bảo toàn tài sản của mình trong năm 2022", Michael Sonnenfeldt, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập TIGER 21, một mạng lưới học tập ngang hàng dành cho các nhà đầu tư và doanh nhân sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 10 triệu USD đến 1 tỷ USD, cho biết.
Dưới đây là các lĩnh vực các thành viên trong nhóm TIGER 21 đang đầu tư mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể học hỏi để phân bổ dòng tiền và danh mục đầu tư của mình một cách thông minh trong bối cảnh lạm phát gia tăng vọt như hiện nay.
Xây dựng các danh mục đầu tư chống lạm phát
Các thành viên của TIGER 21 tin rằng áp lực lạm phát sẽ là vĩnh viễn, không phải nhất thời. Trên thực tế, 65% thành viên dự báo lạm phát sẽ tăng tốc trong năm nay. Do đó, họ đang phân bổ tiền vào một số khoản đầu tư yêu thích để bảo vệ tài sản của mình trước tình hình lạm phát, bao gồm:
- Bất động sản, như bất động sản công nghiệp và các tòa chung cư
- Cổ phiếu đại chúng, hoặc cổ phần, trong các công ty nền tảng sở hữu quyền định giá (như Amazon và Apple), các mặt hàng tiêu dùng chủ lực, và các dịch vụ phát trực tuyến
- Tiền mã hóa
Bất động sản là một ví dụ về đầu tư để phòng ngừa lạm phát, và đây không chỉ là tài sản dành riêng cho người giàu. Ngoài quyền sở hữu nhà, đầu tư bất động sản có thể được thực hiện thông qua REITs (còn được gọi là Quỹ đầu tư bất động sản). REITs có thể đầu tư vào các bất động sản mang lại thu nhập khác nhau như trung tâm mua sắm, nhà chung cư, nhà đất, khách sạn, bệnh viện, trung tâm dữ liệu và hậu cần… Bạn có thể mua cổ phiếu của REITs để tiếp cận với các khoản đầu tư bất động sản và đưa chúng vào danh mục đầu tư cá nhân mà không cần trực tiếp quản lý bất động sản đó.
Đầu tư gấp đôi vào tiền mã hóa
Thay vì đầu tư vào vàng để chống lạm phát, các thành viên của TIGER 21 đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào tiền mã hóa, bao gồm ethereum (34% thành viên), bitcoin (33%), quỹ tiền mã hóa (23%), các đồng tiền khác (15%) và dogecoin (2%).
Những nhà đầu tư giàu có này chắc chắn không sai. Bitcoin được coi là "vàng kỹ thuật số" và về mặt lý thuyết có thể chống lại lạm phát vì nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bitcoin có thể chống lại lạm phát tốt trong dài hạn hay không.
Mọi nhà đầu tư có thể đầu tư vào tiền điện tử một cách dễ dàng thông qua các ứng dụng tài chính. Một số ứng dụng tài chính và cổng thanh toán như PayPal cho phép người dùng mua tiền mã hóa, bao gồm bitcoin, ethereum, bitcoin cash và litecoin. Người dùng cũng có thể sử dụng tiền mã hóa mà mình sở hữu trên PayPal để thanh toán trên ứng dụng này. Ngoài ra, một số ứng dụng phổ biến khác về mua bán tiền điện tử phổ biến có thể kể đến như Robinhood, SoFi và Coinbase.
Đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực năng lượng thay thế
Cổ phiếu xe điện vẫn là những khoản đầu tư hấp dẫn, và giới siêu giàu đang đổ thêm tiền vào các công ty như Tesla, Rivian và Lucid.
Tuy cổ phiếu Tesla không hề rẻ, nhưng các nhà đầu tư nhỏ vẫn có thể tiếp xúc với thị trường xe điện bằng cách bỏ tiền vào các quỹ hoán đổi doanh mục ETF có đầu tư vào các công ty liên quan đến xe điện. Đây là một cách đầu tư rộng rãi hơn và ít rủi ro hơn so với mua cổ phiếu riêng lẻ.
Hầu hết mọi nhà đầu tư đều quan tâm xem những người siêu giàu đang đầu tư như thế nào trong một năm mới với sự gia tăng lạm phát. Đây là một cách hữu ích để họ bảo vệ tài sản của mình khỏi các tác động tiêu cực của lạm phát.