1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giới đầu tư nước ngoài thất vọng với luật mới của Myanmar

(Dân trí) - Quốc hội Myanmar vừa thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, tạo nền móng pháp lý cho các công ty nước ngoài đến tìm cơ hội ở thị trường mới mở cửa và rất giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, luật này có nhiều điểm khiến giới đầu tư quốc tế chưa hài lòng.

Một đường phố ở Yangon, Myanmar - Ảnh: Internet.
Một đường phố ở Yangon, Myanmar - Ảnh: Internet.

Theo tin từ tờ Wall Street Journal, dù đã được Quốc hội Myanmar thông qua, luật đầu tư nước ngoài của nước này vẫn phải được Tổng thống Thein Sein ký phê chuẩn mới chính thức thành luật và có hiệu lực. Nếu không, luật này sẽ quay trở lại Quốc hội khi kỳ họp tiếp theo diễn ra vào tháng 10.

Hiện Myanmar chưa công bố chi tiết cụ thể này. Tuy nhiên, theo nguồn tin là một số quan chức trong Chính phủ Myanmar, luật mới cho phép người nước ngoài sở hữu cổ phần 50% trong một số lĩnh vực kinh doanh bị hạn chế, cao hơn so với mức giới hạn 49% trong các dự thảo trước.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã kỳ vọng luật đầu tư nước ngoài của Myanmar sẽ cho phép họ có được mức sở hữu cao hơn. Đối với một số lĩnh vực kinh doanh khác, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài có thể vượt 50%, nhưng còn chưa rõ đó là những lĩnh vực nào.

Một số điều khoản mang tính hạn chế cao trong các dự thảo trước đó đã không được đưa vào luật mới này, trong đó có đề xuất về mức vốn đầu tư tối thiểu phải đạt 5 triệu USD.

Quá trình soạn thảo luật đầu tư nước ngoài của Myanmar bắt đầu vào đầu năm nay, là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Thein Sein nhằm mở cửa nền kinh tế. Ông Thein Sein là người có chủ trương cải tổ mạnh, nhưng các doanh nhân Myanmar lo ngại tốc độ cải cách nhanh chóng vì sợ như thế sẽ tạo cơ hội cho các công ty nước ngoài thống trị nền kinh tế.

Giới quan sát đánh giá, luật đầu tư nước ngoài mới của Myanmar có vẻ như đạt được sự cân bằng giữa hai luồng quan điểm nói trên. Tuy nhiên, luật này có thể thất vọng cho nhiều nhà quan sát vốn hy vọng Myanmar sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn để bù đắp cho nhiều năm phát triển bị mất mát trước đó.

Từ đầu năm đến nay, một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng nhiều lệnh cấm vận chính đối với Myanmar, quốc gia đến năm ngoái vừa trải qua nửa thế kỷ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Giới đầu tư quốc tế đã chờ đợi để xem luật đầu tư nước ngoài của Myanmar sẽ thế nào trước khi đổ tiền vào quốc gia giàu tài nguyên và có thị trường 55 triệu dân này.

Hãng đồ uống Pepsi mới đây cho biết đã đạt thỏa thuận phân phối sản phẩm ở Myanmar thông qua một đối tác địa phương. Hãng thẻ MasterCard thì cho biết đã cấp phép cho một trong những ngân hàng lớn nhất của Myanmar, đưa nước này tiến gần hơn tới việc gia nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Phương Anh
Theo Wall Street Journal