Giới buôn ô tô cũ hy vọng được "giải cứu" trong mùa xe cuối năm
(Dân trí) - Không ít chủ xe, đại lý xe cho biết sẽ phải hạ giá các dòng xe cũ trên thị trường để chờ được giải cứu trong mùa xe cuối năm bởi hiện tại áp lực cạnh tranh khiến nhiều đại lý phải sống trong lo sợ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí tại nhiều cơ sở bán xe cũ trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, và chợ xe cũ tại Long Biên, khá vắng lặng dẫu tháng cô hồn đã đi qua rất lâu.
Ông Mạnh, chủ một gara xe cũ chia sẻ với phóng viên: "Tình trạng xe cũ khó bán đã được dự báo sớm từ cả năm nay, nhưng không thể lường được khó khăn đến thế. Dòng xe từ dưới 300 - 600 triệu đồng có doanh số khá ít, còn xe giá từ 600 triệu đồng đến ngưỡng gần 800 triệu đồng thì đóng băng".
Các dòng xe bán dễ nhất thuộc phân khúc xe cũ vẫn là họ nhà Toyota, Honda. Các dòng xe Kia, Mazda hay Hyundai cũng khá khó khăn để đẩy hàng so với trước đây. Các mẫu xe này là Vios, Innova hay Honda City, Mazda 3 hay Hyundai i10 tuổi đời 5 - 7 năm tuổi cũng chỉ có giá dưới 300 - 400 triệu đồng, song cũng khó khăn để bán đi.
"Người quan tâm xe cũ chủ yếu là dân tỉnh, mua xe chạy dịch vụ, cho gia đình hoặc người mới đi xe. Mức giá xe dưới 300 - 400 triệu đồng, cộng với phí trước bạ xe cũ 2%/giá trị còn lại của xe, chi phí lăn bánh chỉ thêm từ 10 đến 20 triệu đồng, rất phù hợp nhưng khá khó bán", ông Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông này, các dòng xe cũ hiện nay có sự đào thải rất ghê gớm. Xe được sử dụng trên 10 năm rất khó bán dù giá xe thấp. Người dân sợ ôm phải xe hết khấu hao, phải sửa chữa, thay mới đắt đỏ.
Theo chia sẻ của bà Hoàng Ánh Tuyết, chủ gara tại Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), cuối năm là thời điểm bắt buộc phải bán xe, cắt lỗ bởi nếu để sang năm sau sẽ chịu thêm một tuổi, mất giá nhanh chóng. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, xe mới đang cạnh tranh ở mọi phân khúc, mọi mức giá, rất khó để xe cũ "làm cao".
"Kinh doanh xe cũ mùa bán tốt nhất là giữa năm và cận kề cuối năm (tháng 10 đến 11 dương). Đây cũng là thời gian người mua xe ít kiêng kị nhất bởi đầu năm họ tránh mua xe cũ vì rủi ro, cuối năm các dòng xe mới giảm giá để cứu doanh số, nên xe cũ không đấu lại được. Cánh cửa cho xe cũ đang ngày một hẹp đi tại các đô thị", bà Tuyết tâm sự.
Trên thị trường hiện nay, đại lý buôn xe cũ cũng đang mọc lên khá nhiều, nhất là các cơ sở tạm bợ trên đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ hay Nguyễn Khánh Toàn... Theo tìm hiểu, có khá nhiều đại lý tại đây bán xe kiểu ký gửi cho đại lý khác hoặc bán xe không cũ mà với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường chung.
Chính vì vậy, nhiều người kinh doanh xe cũ cho rằng nếu người mua gặp phải xe lỗi, hoặc liên quan đến pháp lý, sau vài tháng hoặc một vài năm, chủ gara đã rời địa điểm tạm hoặc đã cao chạy xa bay.
Theo một chuyên gia xe hơi, thị trường xe cũ tại Việt Nam hiện nay tự phát, được quản lý khá lỏng lẻo và không có quy chế riêng về tiêu chuẩn chất lượng cũng như lịch sử xe...
Chính điều này nên khách mua xe cũ thường không khỏi lo lắng về lịch sử xe, chất lượng xe hoặc có cảm giác xa vào ma trận thông tin. So với các nước có thị trường xe hơi lớn, thị trường xe cũ Việt Nam phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm khiến xe cũ dù giá rẻ, chất lượng nhưng vẫn không đủ sức cạnh tranh với xe mới và cung ứng nguồn xe cho người có nhu cầu.
Một nguyên nhân khác khiến cho xe cũ từ nay đến cuối năm khó khăn là các dòng xe nhập về nhiều, các loại xe trong nước lại đang tồn kho lớn. Chính vì thế, khi mùa xe cuối năm, chắc chắn các đại lý, hãng xe tối ưu doanh số và xu hướng giảm giá xe có thể diễn ra ở nhiều phân khúc khác nhau.
Theo một chủ buôn xe tại Phạm Hùng, nếu các dòng xe mới giá rẻ hạ giá cuối năm thì áp lực cực lớn đối với thị trường xe cũ. Còn nếu chỉ giảm giá một vài dòng xe cao cấp như hiện nay có thể sẽ không có áp lực nhiều.
Ông này cho rằng, nếu tận dụng được việc xe mới chưa giảm giá ồ ạt, xe cũ xuống giá, kéo khách ngay từ bây giờ sẽ thắng thế. Còn nếu không, họ sẽ phải đối mặt với việc ế ẩm xe kéo dài đến giữa năm sau và các dòng xe cũ sẽ phải chịu thêm tuổi và chủ xe gánh thêm lãi ngân hàng.
An Linh