Giày dép Trung Quốc vào tận đại lý bán hàng Việt Nam
Có một thực tế đáng buồn là trên các kệ của những cửa hàng giày dép mang thương hiệu Việt Nam như Biti’s, Asia, Giày Việt, Đông Hải, Hồng Anh, Pasteur…có cả giày dép Trung Quốc, thậm chí còn được người bán ưu tiên giới thiệu
Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 của thế giới về xuất khẩu giày và dự kiến năm 2010 sẽ xuất khoảng 6,2 tỉ USD. Thế nhưng thị trường nội địa với nhu cầu tiêu thụ từ 130 - 140 triệu đôi giày dép mỗi năm, giá trị trên 1,5 tỉ USD (theo bộ Công thương), lại đang bị nước ngoài chiếm lĩnh, trong đó sản phẩm của Trung Quốc là nhiều nhất.
Giày dép Trung Quốc đã lên quầy kệ của những cửa hàng mang thương hiệu Việt Nam như Biti’s, Asia, Giày Việt, Đông Hải, Hồng Anh, Pasteur…
Tràn ngập các đại lý, cửa hàng
Tại đại lý Biti’s trên đường Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình, gần ngã tư Bảy Hiền, đếm trong số hơn 150 kiểu giày dép cho trẻ em, có chừng 100 kiểu là giày dép Trung Quốc.
Cô nhân viên bán hàng nói: “Muốn kiểu này kiểu nọ thì chọn hàng Trung Quốc mới đa dạng”. Và cô này còn khuyến khích khách mua: “Chọn hàng Trung Quốc mẫu mới hơn. Trẻ em mau lớn đâu cần quá bền, chỉ cần mang êm, kiểu đẹp và giá vừa phải là được rồi…”
Đến các cửa hàng treo bảng đại lý Biti’s khác trên đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu… thì tình trạng hàng Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí đẹp trên quầy kệ và được người bán ưu tiên giới thiệu cho khách vẫn phổ biến như thế.
Giày dép Trung Quốc được ưa chuộng nhờ mẫu mã đa dạng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Ở các cửa hàng chuyên về giày dép da cho người lớn như Giày Việt, Đông Hải, Hồng Anh, Pasteur… hàng Trung Quốc có đủ loại cho bé trai, bé gái, phụ nữ, nam giới… với các mức giá cao thấp khác nhau. Chẳng hạn như giày cho nữ ở cửa hàng Hồng Anh là những kiểu đế nhựa đúc, có dằn chỉ thêu, giá tương đương với hàng sản xuất trong nước ở khoảng 150.000 - 200.000 đồng/đôi.
Ngay cả trong các quầy giày dép ở siêu thị, như tại Co.opmart Lý Thường Kiệt, Maximark đường Cộng Hoà, những kiểu sandal, giày bít màu sắc tươi sáng cho trẻ em có nhãn giấy ghi rõ: thương hiệu riêng tên tiếng Việt, tên của nhà phân phối, xuất xứ “Trung Quốc”.
Không chỉ đa dạng mẫu mã
Thời điểm này, Asia vẫn còn một số điểm bán treo bảng đại lý ở TPHCM, nhưng theo bà Lý, chủ doanh nghiệp phân phối độc quyền sản phẩm Asia tại thị trường nội địa thì: “Khách lấy hàng muốn treo bảng thì công ty hỗ trợ”.
Bà nói rõ: “Người bán lẻ không thể mở cửa hàng để bán sản phẩm của một thương hiệu. Người bán lẻ cần vài trăm đến cả ngàn kiểu khác nhau để trưng bày, mà một công ty Việt Nam thì chỉ cung cấp được số lượng mẫu mã hạn chế”.
Bà Lý nhấn mạnh: “Các cửa hàng giày dép đều lấy hàng Trung Quốc vào bán bởi vì lãi cao hơn gấp 2 - 3 lần, mẫu mã mới ra nhanh mà còn được lấy hàng gối đầu, trong khi mua hàng các công ty Việt Nam hầu hết phải thanh toán ngay”.
Ông Trần Hữu Thành, chủ cơ sở sản xuất giày dép da Long Thành cho biết thêm: “Bán hàng do chính mình sản xuất, lãi ròng tôi chỉ còn chừng 5 – 8%. Còn nếu lấy hàng Trung Quốc vào bán, người kinh doanh có thể lãi đến 25 - 30%”.
Bà Ngọc Nga, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giày tại Trung tâm thương mại An Đông cho biết: “Giày nội bền, chắc, nhưng quanh quẩn chỉ vài mẫu. Lúc thị trường cần hàng thì cung ứng không kịp, có nơi yêu cầu đặt cọc trước rồi mới giao hàng… Trong khi đó, giày Trung Quốc mẫu theo mốt mới, đặt hàng chỉ trong vòng năm ngày là có. Lãi bán sỉ lên đến 30.000 đồng/đôi so với bán giày nội chỉ tối đa 12.000 đồng/đôi...”
Bà Ngọc Nga cũng cho rằng: “Đa phần giày dép Trung Quốc nhập vào qua đường tiểu ngạch, muốn lấy hàng chỉ cần liên hệ các đầu mối ở chợ Đồng Xuân, Lạng Sơn, hàng sẽ theo xe tải giao tận nơi. Ở thành phố chưa có doanh nghiệp nào làm đại lý phân phối chính thức cho nhãn hiệu giày Trung Quốc”.
Thực lực của ngành ở đâu?
Theo hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), khoảng 90% sản lượng của các doanh nghiệp lớn trong ngành da giày hiện nay phục vụ cho xuất khẩu.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (235 đơn vị) chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30%. Cả nước có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày, nhưng 70% là sản xuất theo phương thức gia công cho nước ngoài. Nguyên phụ liệu hầu hết đều nhập khẩu, thiết kế mẫu doanh nghiệp chưa chủ động được.
Với thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chỉ tham gia cho có, thể hiện qua các mẫu giày vải, giày thể thao của Thuỵ Khuê, An Lạc, Thượng Đình… Sân chơi nội địa chủ yếu do các cơ sở sản xuất nhỏ gia đình tham gia.
Ông Vũ Văn Minh, đại diện ban chấp hành hội Da giày TPHCM còn cho biết: “Nhiều hộ sản xuất ở các làng nghề phía Bắc như ở Hải Dương, nhập đế, nhập quai về ráp giày theo các mẫu đang bán chạy trên thị trường”.
Theo Bích Thuỷ
SGTT