Giày da Việt Nam: Dỡ thuế chống bán phá giá vẫn chưa hết lo
(Dân trí) - Từ ngày 01/4/2011, mặt hàng giày mũ da của Việt nam xuất khẩu vào thị trường EU chính thức không còn chịu mức áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, với một năm chịu kiểm soát, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngành giày mũ da Việt Nam.
Tại hội thảo về "Chương trình giám sát nhập khẩu của EU đối với các loại giầy mũ da xuất xứ Việt nam, Trung quốc" diễn ra ngày 20/9/2011, lãnh đạo Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho rằng, tín hiệu tích cực trên xuất phát từ những lợi thế cộng hưởng.
Bên cạnh việc mặt hàng giày mũ da Việt Nam không còn phải chịu mức thuế chống bán phá giá mà EU áp dụng đã kéo dài suốt 4 năm, thì còn có nguyên nhân từ sự dịch chuyển mạnh mẽ các đơn hàng hàng từ Trung Quốc bởi chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện tăng quá nóng và đắt đỏ.
Mặt khác, uy tín đối với khách hàng ngày càng tăng là lý do khiến nhiều thương hiệu giày dép lớn tại EU và Mỹ đã tới và đang tìm hiểu để đặt hàng…
Theo đánh giá của doanh nghiệp xuất khẩu cũng như giới chuyên gia, việc không phải chịu mức thuế chống bán phá giá đã đem lại cho ngành da giày vị thế cạnh tranh công bằng khi xuất khẩu vào thị trường EU với các nước Ấn Độ, Banglades, Thái Lan, Campuchia, vốn là những nước không bị áp thuế chống bán phá giá trước đây. Tuy nhiên, với một năm chịu kiểm soát, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngành giày mũ da Việt Nam.
Trên thực tế, mặt hàng giầy dép xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khá mạnh mẽ từ các sản phẩm tương tự của các nước trên vì những nước này đang được hưởng Chế độ ưu đãi thuế quan của EU.
Mặt khác mặc dù EU dỡ bỏ thuế chống phá giá đối với mặt hàng giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này từ 01/4/2011, nhưng EU đã đưa ra chương trình giám sát hoạt động xuất khẩu giày da của Việt Nam vào EU trong một năm.
Điều này có nghĩa là, trong trường hợp EU nhận thấy lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng một cách đáng kể và giá xuất khẩu lại giảm trong một khoảng thời gian nhất định, cơ quan có thẩm quyền của EU có thể sẽ xem xét việc tái áp loại thuế này mà không cần điều tra khi có đủ bằng chứng cho thấy có hiện tượng “tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá” từ nhà xuất khẩu Việt Nam.
Lan Hương