1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giàu bên bãi rác

“Phải lãi khủng thì mới có chuyện từ vài người đi rao đồng nát, sắt vụn mấy năm trước mà giờ đã có hơn 200 hộ trong thôn kinh doanh... rác chứ.

Đống sắt vụn, linh kiện xe máy khổng lồ trong sân nhà ông Đình.
Đống sắt vụn, linh kiện xe máy khổng lồ trong sân nhà ông Đình.
 
Hỏi thì chẳng ai nói thu nhập bao nhiêu, nhưng nhìn những ngôi nhà tầng, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều cùng 70 chiếc ôtô là rõ.
 
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa làng tôi vẫn bị gọi với cái tên “làng rác”, và thực sự tôi cảm thấy sợ mặt trái của cái nghề mưu sinh từ rác này lắm rồi” - ông Nguyễn Bá Huê - 54 tuổi, Trưởng thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội đã tâm sự về làng mưu sinh từ rác, phế liệu quê mình như vậy.

Lãi khủng từ rác

Nếu làng Tề Lỗ, Vĩnh Phúc chuyên phá ôtô bán sắt vụn, làng Quan Độ, Bắc Ninh phá xác máy bay hay những làng phế liệu ở Hưng Yên chuyên nhôm, đồng, sắt vụn, lông gà, lông vịt… thì Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu không chuyên biệt bất cứ cái gì. Người Xà Cầu hiện nay đã sắm đến 70 xe ôtô tải loại 1,5 tấn để đi chở rác thải, phế liệu khắp nơi về làng mình. Ngoài ra còn đội ngũ hàng trăm xe máy, xe đạp rong ruổi, săn lùng đồ phế thải ở mọi nơi mang về sơ chế, đập phá hoặc kinh doanh mua đi, bán lại.

Ông trưởng thôn nhắc đi nhắc lại rằng có lẽ Xà Cầu sở hữu đống rác thải, đồ phế liệu lớn nhất miền Bắc. Nghề mua bán rác thải, đồ phế liệu cũng mới thịnh ở Xà Cầu mấy năm trở lại đây. Ông Huê tâm sự, quê ông ngoài sản xuất nông nghiệp thì có nghề làm tăm hương truyền thống. Nhưng lãi lời từ cái nghề tăm hương này bèo bọt quá, bà con nông dân bắt đầu chuyển sang nghề đi thu mua đồng nát, sắt vụn. Từ 5-6 người đi thu mua đồng nát, sắt vụn mấy năm trước mà đến nay đã có hơn 200 hộ, chiếm 1/3 số hộ trong thôn, làm nghề liên quan đến rác, phế liệu. Ông Huê nhẩm tính số lao động tham gia vào nghề này chiếm khoảng một nửa tổng số người trong độ tuổi lao động của làng.

Đặc điểm kinh doanh của người Xà Cầu là mua mọi loại rác thải, phế liệu mang về làng phá, sơ chế rồi bán lại. Bà May - một người đi mua bán phế liệu ở Xà Cầu cho biết: “Chúng tôi mua tất, từ bộ lông ngan, lông vịt cho đến cái tivi, tủ lạnh, quạt, đài hỏng. Ai muốn bán xe máy hỏng, máy vi tính cũ, thậm chí là ôtô không còn sử dụng nữa chúng tôi cũng mua”. Một bà đồng nát mà có thể mua cả xe máy, vi tính, thậm chí cả ôtô hỏng về bán lại cho các đại lý ở làng mình như bà May thì kể cũng hiếm.
Tất cả đội quân thu mua phế liệu như bà May dù là xe đạp hay đi xe máy đều mang hàng về làng lọc ra từng loại và bán cho các đại lý.

Ở Xà Cầu hiện nay có khoảng 50 đại lý lớn chuyên kinh doanh rác thải, phế liệu. Nếu có xe máy hỏng bán thì hãy ra liên hệ với anh Phạm Văn Tư, ông Nguyễn Trung Đình, ông Trường ở ven đường 21B. Những chủ hàng này sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại cả trăm chiếc xe máy cũ, hỏng để về phá ra thành sắt vụn rồi bán lại. Nếu có đồ nhựa như thùng, chậu, lồng bàn, ghế, vỏ quạt… thì bán cho các đại lý chuyên đồ nhựa như anh Khỏe, bà Thung, bà Thai. Họ mua về rồi băm sản phẩm ra thành từng miếng nhỏ, sau đó đóng bao chờ người đến mua lại. Cũng như thế, những đồ đồng, nhôm, sắt như vỏ lon bia, hộp sữa, soong, nồi, lõi quạt… sẽ bán cho các đại lỹ chuyên đồ nhôm, sắt. Nói tóm lại, làng Xà Cầu như một nồi lẩu thập cẩm, thu mua tất tật mọi thứ gọi là rác phế liệu trên đời và mang về phá sạch để bán sắt vụn, nhựa vụn…

Công trường phá “ngựa sắt” của ông Nguyễn Trung Đình ở ven quốc lộ 21B khiến chúng tôi khá choáng ngợp. Làm nghề mới vài năm nay, nhưng tháng nào ông Đình cũng phá ít nhất khoảng 100 xe máy. Hai vợ chồng ông làm không xuể, nên phải thuê thêm hai thanh niên nữa phụ giúp. Để phá một chiếc xe máy, một mình ông Đình phải làm mất khoảng 2 giờ. Cho nên với 3 lao động thường xuyên, mỗi ngày chỗ ông “thịt” 3-5 con xe là chuyện đơn giản. Hàng nghìn linh kiện xe máy vứt ngổn ngang khắp sân. Đống đồ nhựa vỏ, yên xe không có chỗ để, ông Đình phải mang sang bên kia đường. Phía sau nhà là đống đồng nát nặng vài tấn mà ông Đình chưa bán hết, bởi giá hiện nay quá thấp.

Ông Đình cho biết: “Nguồn hàng của tôi chủ yếu là các đợt thanh lý xe vi phạm của công an. Do người vi phạm bỏ xe vì tiền nộp phạt cao, giá trị xe thấp nên để thời gian dài xe hỏng, công an mở các đợt thanh lý. Tôi thường mua được các lô hàng như thế với số lượng có khi đến cả 100 chiếc với giá khá mềm”. Về lợi nhuận, vợ chồng ông cho biết khi phá tung ra bán sắt vụn hoặc phụ tùng nào mới thì bán lại cũng chỉ được lãi 100.000-200.000 đồng/xe.

Nhưng theo một số người dân ở đây tiết lộ, cửa hàng ông Đình, ông Trường hay anh Tư thường mua những xe nát, hỏng, đa số là xe Trung Quốc với giá vài trăm nghìn, cao nhất cũng chỉ đến 1 triệu. Nhưng khi phá ra bán phụ tùng, sắt vụn sẽ được lãi ít nhất gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Vì thế mức thu nhập của hai vợ chồng ông Đình nói ra tầm 6-7 triệu đồng/tháng không ai tin được. Thực tế, công việc vô cùng nặng nhọc, suốt ngày dầu mỡ trên tay, thậm chí có thể gặp nguy hiểm nếu xe khi tháo bị cháy, nổ mà thu nhập chỉ 6-7 triệu thì chả ai làm, bởi một người đi băm nhựa thuê ở Xà Cầu đã được trả lương 3-4 triệu/tháng.

Lãi khủng, nên những anh nông dân xưa giờ có tiền mua đất rộng ngoài quốc lộ để kinh doanh và có nhà to trong làng để sinh sống. Con số 70 chiếc ôtô tải với giá thành ít nhất cũng 200-300 triệu đồng/chiếc cùng với số xe con 4 chỗ chưa thống kê được ở Xà Cầu đã nói lên được sự hấp dẫn của nghề mua, kinh doanh, sơ chế… rác.

Cũng nhờ nghề đồng nát mà ở Xà Cầu nổi lên hàng loạt đại gia, trong đó không thiếu những đại gia 7x-8x, như anh Trần Văn Tư, sinh năm 1986. Anh Tư và mẹ là bà Thung lập đại lý thu mua đồ nhựa đã được sơ chế về đóng bao để bán cho các nhà máy tái chế. Hiện nay nhà anh Tư có 3 xe tải chở hàng với một đội ngũ bốc vác chuyên nghiệp. Mỗi tháng gia đình anh mua đi bán lại khoảng 100-150 tấn nhựa sơ chế. Anh cho biết mỗi tấn nhựa bán đi gia đình được lãi khoảng 200.000 đồng, như vậy 150 tấn mỗi tháng cũng được lãi 30 triệu đồng. Nhưng đó là con số rất khiêm tốn so với thu nhập thật của gia đình anh.

Những đống rác bủa vây đường làng

Đống sắt vụn, linh kiện xe máy khổng lồ trong sân nhà ông Đình.

Ông Trưởng thôn Nguyễn Bá Huê cảm thấy sợ mặt trái của làng nghề quê mình với con đường dọc thôn ngập tràn những bao đựng rác thải, phế liệu.


Nằm ở huyện Ứng Hòa, một huyện thuộc dạng nghèo của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội và cách trung tâm thành phố gần 40km, nhưng Xà Cầu giầu hơn những thôn, làng khác. Dừng chân ở một quán cơm ngoài đường quốc lộ 21B cách làng 3-4km, người chủ quán khi nghe nhắc tới cái tên Xà Cầu đã thốt lên rằng: “Làng đó giờ giàu lắm”. Những con đường dọc, ngang thôn Xà Cầu đã được bêtông hóa toàn hoàn.

Dọc những con đường từ xóm 1 đến xóm 4 có rất nhiều nhà tầng, thậm chí biệt thự trị giá cả tỉ đồng mọc lên san sát. Cũng có rất nhiều ngôi nhà to mới xây chưa lăn sơn. Nhưng làng quê giàu đẹp hơn hẳn những vùng xung quanh ấy cũng chất đầy những bao đựng rác lớn nhỏ dọc con đường qua thôn dài hơn 1km hoặc bất kỳ con ngõ nào. Nhiều đống rác to lù lù, chất cao ngang mái nhà cấp bốn. Có nhiều bao tải đã để ngoài đường cả năm trời vẫn không bán được, vì các công ty sản xuất tái chế không cần nhiều hàng.

Rác, phế thải không chỉ xếp dọc hai bên đường thôn, đường ngõ mà những bờ ao, vườn cây cũng được người dân tận dụng. Nhiều bao đựng đồ phế liệu, rác thải để lâu ngày đã bị bục, rơi vãi ra vườn, trôi cả xuống ao, mương. Chính vì thế ông Nguyễn Bá Huê cho biết mấy năm gần đây chẳng người nào còn dám tắm giặt, thậm chí rửa tay ở giếng làng hoặc ao trong thôn nữa.

Làng giàu, nhưng ông Nguyễn Bá Huê cho biết sẽ chẳng dám mơ đạt được chỉ tiêu về nông thôn mới. Ông bảo Xà Cầu mới đạt được 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí về môi trường là một bài toán chưa bao giờ có lời giải. Do nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải, phế liệu đang rất báo động ở Xà Cầu nên các cơ quan chức năng xã, huyện đã có ý kiến quy hoạch một khu công nghiệp để cho những hộ sản xuất, kinh doanh ra đó hoạt động. Dự án đó hiện vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay mới có 2 trong 4 xóm ở Xà Cầu có nước sạch, 2 xóm còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan. Nước mặt ao, hồ, giếng làng đã không thể sử dụng được, thì chắc chắn mạch nước giếng khoan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.

Nhiều hộ dân sơ chế phế liệu, rác thải vẫn vô tư xả nước bẩn ra ao, mương, hồ hoặc gây ô nhiễm không khí. Trạm y tế xã Quảng Phú Cầu cho biết, đã có rất nhiều bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thôn rác thải Xà Cầu. Mối lo ung thư cũng thực sự ám ảnh ngôi làng giàu có này, dù ông Huê bảo rằng chưa có kết luận về chuyện bị ung thư liên quan đến môi trường của làng.
 
Theo Văn Hải - Hà Ngọc
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm