Giao thông TP.HCM: Đào đâu ra 42 tỷ USD?

Nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP.HCM thời kỳ 2011-2025 ước tính lên đến 42 tỷ USD trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng bị hạn hẹp, vốn ODA cũng dần co lại.

Nhà đầu tư nản lòng

PPP được hiểu là một hợp đồng giữa khu vực công và đối tác tư nhân trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà theo truyền thống thuộc trách nhiệm của khu vực công. Tại phía Nam, nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã từng được đầu tư có tính chất PPP như: cầu Phú Mỹ, cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết, cao tốc TP.HCM- Trung Lương.

Dù mục tiêu của PPP giúp huy động vốn từ khu vực tư nhân, góp phần ổn định ngân sách nhưng theo đánh giá của ông Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, "vai trò của tư nhân trong các dự án lớn hiện nay rất thấp.

Nhà đầu tư PPP trong quá trình phê duyệt phải xin quyết định Thủ tướng. Ngoài ra vấn đề tổ chức và quá trình ra quyết định PPP hiện rất cồng kềnh, phức tạp vì phải thông qua hơn 20 cửa".

"Chưa kể, thủ tục hoán đổi ngoại tệ, chuyển lợi nhuận về nước theo PPP cũng quy định không được quá 30%. Điều này đồng nghĩa việc 70% còn lại nhà đầu tư phải giải quyết bằng thị trường chợ đen vốn nhiều rủi ro thiệt hại. Chính vì vậy không chắc Quyết định 71 của Thủ tướng chính phủ sẽ tạo cú hích mạnh trong để PPP diễn ra thuận lợi" , ông Anh nói.

Giao thông TP.HCM: Đào đâu ra 42 tỷ USD?

Cao tốc TP.HCM- Trung Lương là dự án có tính chất PPP từng có nguy cơ ế ẩm vì xe tải, container đi Quốc lộ 1A.

Nhận định của ông Anh ngay lập tức nhận được phản hồi của TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM: "Quyết định 71 với địa vị pháp lý của một quyết định do Thủ tướng ban hành nên tác dụng rất hạn chế về mặt chính sách và cơ chế hoạt động của hình thức "công tư đối tác". Trên thực tế, Quyết định nói trên không đủ đảm bảo một khuôn khổ pháp lý để vận hành mô hình và không đủ mức hấp dẫn với nhà đầu tư".

TS Lịch phân tích: "Nếu các địa phương và các ngành có điều kiện thực hiện hình thức đầu tư này bằng các chính sách "sáng tạo" riêng của mình sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong chính sách và không đảm bảo sự an toàn về pháp lý cho các bên".

Trên thực tế, từ trước khi có Quyết định 71, Việt Nam đã tiến hành khoảng 100 dự án mang tính chất PPP như BOT (Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao), BT (Xây dựng- Chuyển giao) nhưng không thật thành công. Thậm chí có những dự án bị cho là thất bại như BOT cầu Bình Triệu giai đoạn 1.

"Vì thiếu khuôn khổ pháp lý nên một số rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai mô hình đối tác công tư chưa được xử lý kịp thời, làm giảm hiệu quả dự án và nản lòng nhà đầu tư", PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đánh giá.

Hạ tầng khát vốn

Theo khảo sát của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), trong những năm gần đây, Việt Nam cùng một số quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Mông Cổ đã có nhiều nỗ lực hoàn chỉnh khung pháp lý cho PPP.

Tuy nhiên, "Việt Nam đang có kinh nghiệm khá hạn chế" dù có sự "biểu hiện mạnh mẽ ủng hộ chính trị cho việc phát triển các dự án PPP".

Nhìn vào thực tế tại TP.HCM, những rào cản đối với khu vực tư nhân trong việc tham gia các dự án lớn cũng là một phần lý do khiến ngành giao thông TP.HCM luôn trong tình trạng "khát vốn". Tính đến thời điểm tháng 6/2012, thành phố có đến 13 công trình trọng điểm thiếu vốn và vướng mặt bằng.

Vào đầu năm 2012, UBND TP.HCM đã giao vốn kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đợt đầu cho Sở GTVT 2.158 tỷ đồng. Nhưng do, phải chi 615 tỷ đồng hoàn vốn hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đường nối trên cao cầu Phú Mỹ cho chủ đầu tư nên nguồn vốn ngân sách còn lại chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu đặt ra về vốn từ đầu năm.
 
Ở góc độ tổng quan, theo ước tính của ngành giao thông vận tải thành phố, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông hiện thiếu hụt khoảng 5.600 tỷ đồng. Mới đây, UBND TP.HCM đã phải xây dựng danh mục 14 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2015 với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD.

Khát vốn là thế nhưng hiện những nhà đầu tư khu vực tư nhân lại rất thận trọng và cho thấy thái độ không mặn mà với những dự án này.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn ra trường hợp cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, một dự án có tính chất PPP có thể phải đối mặt nguy cơ rủi ro.

Theo đó, cao tốc nói trên được Thủ tướng chính phủ quyết định giao tập đoàn Bitexco lập dự án với tổng kinh phí khoảng 14.255 tỷ đồng. Theo ông Trương, cao tốc này song song với Quốc lộ 1A, nên khi đưa vào khai thác có thể sẽ bị chia sẻ lượng phương tiện dẫn đến sụt giảm nguồn thu phí do Quốc lộ 1A đã có chủ trương nâng cấp mở rộng.

Trước hàng loạt thách thức mà khu vực tư nhân đang gặp phải, ôngg Trương cho biết: "Trong thời gian tới, Bộ sẽ hình thành Quỹ phát triển dự án và nghiên cứu hình thành Quỹ bù đắp để tăng tính khả thi các dự án PPP. Ngoài ra tổ chức phối hợp liên ngành hiện có sẽ được kiện toàn bằng việc thành lập Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng chính phủ làm trưởng ban".
 
Theo Quốc Quang
VEF