Giao dịch “lạ” tại cổ phiếu Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến

Mai Chi

(Dân trí) - Chưa rõ thông tin tích cực nào từ phía Tân Tạo đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và khiến lực cầu với cổ phiếu ITA “đột biến”, giá cổ phiếu tăng trần, khối lượng giao dịch “khủng” nhất thị trường.

Phiên giao dịch chiều qua (6/10), lực cầu được đẩy mạnh, theo đó, diễn biến thị trường chứng khoán trở nên khả quan hơn.

Giá trị giao dịch trên HSX đạt 8.205,01 tỷ đồng với tổng cộng 496,13 triệu cổ phiếu giao dịch. HNX cũng thu hút được 749,03 tỷ đồng với 58,09 triệu cổ phiếu giao dịch và trên UPCoM là 31,15 triệu cổ phiếu tương ứng 443,32 tỷ đồng.

Chỉ số VN-Index vẫn đạt được trạng thái tăng giá. Chốt phiên, chỉ số chính của thị trường tăng 0,99 điểm tương ứng 0,11% lên 915,67 điểm; HNX-Index tăng 0,59 điểm tương ứng 0,43% lên 137,77 điểm và UPCoM-Index tăng 1,09 điểm tương ứng 1,74% lên 63,91 điểm.

Toàn thị trường có 419 mã tăng, 40 mã tăng trần, áp đảo so với 315 mã giảm, 23 mã giảm sàn. Điều này phần nào cho thấy diễn biến tương đối đồng đều của các cổ phiếu, các cổ phiếu lớn vẫn chưa thể hiện hết vai trò dẫn dắt thị trường.

Giao dịch “lạ” tại cổ phiếu Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến - 1

Sau nhiều năm "mất tích" trước cổ đông và công chúng, bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tân Tạo bất ngờ xuất hiện trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với diện mạo khác lạ

Những cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất VN-Index trong phiên hôm qua là HPG, MSN, VCB, SAB… Cụ thể, HPG tăng 3,3% lên 28.250 đồng; MSN tăng 3,6% lên 58.000 đồng; VCB tăng 0,5% lên 83.900 đồng và SAB tăng 1% lên 186.300 đồng.

Ngược lại, VIC giảm 1,6% xuống 91.800 đồng đã tác động đáng kể đến thị trường chung. Cổ phiếu của Vingroup đã kéo lùi VN-Index tới 1,44 điểm. Ngoài ra, CTG, TCB, VNM, GVR giảm giá, LGC giảm sàn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.

Giao dịch “lạ” tại cổ phiếu Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến - 2

ITA tăng trần và khớp lệnh "khủng" nhất toàn thị trường

Cổ phiếu ITA của Tập đoàn Tân Tạo phiên hôm qua xảy ra đột biến cả về thanh khoản và giá. Sau nhiều phiên giao dịch lình xình, mã này bất ngờ tăng trần lên 4.940 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” 31,9 triệu đơn vị.

Đây cũng là mã cổ phiếu có thanh khoản cao nhất toàn thị trường trong phiên. Đóng cửa, ITA hoàn toàn không còn dư bán, có dư mua giá trần 3,66 triệu đơn vị.

Hoạt động tăng trần tại cổ phiếu ITA khá đột ngột bởi không có thông tin tích cực nào vừa phát sinh liên quan đến doanh nghiệp này ngoại trừ việc hưởng lợi từ nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa rõ có thông tin tích cực nào khác từ phía Tân Tạo đã tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm qua, đẩy kỳ vọng và lực cầu tại mã này lên cao như vậy.

Doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến kết thúc nửa đầu năm 2020 với kết quả lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 88,8 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất đạt 74,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 42% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là con số lợi nhuận của Tân Tạo sau khi được soát xét bởi công ty kiểm toán đã tăng 18% và 22% so với báo cáo mà doanh nghiệp tự lập.

Theo giải trình của lãnh đạo Tân Tạo thì chênh lệch này chủ yếu do điều chỉnh doanh thu và giá vốn hàng bán làm tăng lợi nhuận gần 202 tỷ đồng.

Về dự án “tỷ đô” Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương, phía Tân Tạo cho biết, vẫn tiếp tục bám sát làm việc với cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. Theo nhận định của Tân Tạo thì hiện nay Việt Nam vẫn thiếu điện, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Sau ITA, cổ phiếu FLC cũng được khớp tới 30,37 triệu đơn vị; STB khớp 27,11 triệu đơn vị; HPG khớp 23,6 triệu đơn vị; HQC khớp 21,26 triệu đơn vị và ROS khớp 20,42 triệu đơn vị. Các mã này đều tăng giá, trong đó, HQC tăng trần.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán MB (MBS), dù đà tăng có phần chậm lại khi qua mốc tâm lý 915 điểm trong phiên hôm qua nhưng thị trường vẫn rất tích cực.

Thứ nhất là thanh khoản đã tăng lên đáng kể trong vòng hơn 1 tháng qua, thứ hai là độ rộng của thị trường vẫn được duy trì rất tích cực cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chứ không tập trung riêng ở nhóm trụ.

Thứ ba là, khối ngoại đang có động thái giảm bán ròng ở các phiên gần đây. Cuối cùng là các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, nếu không có biến động lớn, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên.

“Thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá và cơ hội cần được tận dụng” - chuyên gia MBS lạc quan.