Giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ diễn biến thất thường

Trong tuần đầu năm mới Đinh Hợi, thị trường giao dịch “đỏng đảnh” làm cho nhiều dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh ít nhất trong 5 phiên liên tiếp đã “trật khớp”.

VN-Index chỉ giảm có 2 phiên rồi lại tăng mạnh trong phiên cuối tuần, riêng HASTC-Index giảm 4 phiên liên tiếp sau khi tăng vọt trong phiên đầu năm mới. Cung cầu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tiếp tục tăng, khối lượng và trị giá giao dịch đều tăng so với tuần cuối Tết Nguyên đán.

Cảnh báo của IMF không tác động nhiều 

Trong tuần qua, rất nhiều thông tin dự báo khác nhau về thị trường chứng khoán Việt Nam có chao đảo theo sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới, nhất là thị trường chứng khoán Trung Quốc và Mỹ. Những dự báo về ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam ít bị tác động trực tiếp bởi thị trường thế giới có vẻ đúng sau khi cung cầu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong tuần qua vẫn tiếp tục tăng, VN-Index lại tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Những cảnh báo và khuyến nghị của IMF về rủi ro và nguy cơ “xì hơi bong bóng” cũng không tác động gì nhiều đến sự sôi động tiếp tục của thị trường. Một nhà đầu tư có kinh nghiệm đưa ra nhận định “xanh rờn”: "Cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang “lao đầu” vào mua cổ phiếu như con thiêu thân, bán vàng, USD, rút tiền tiết kiệm, thế chấp cả nhà đất để chơi canh bạc cổ phiếu. Họ là những người đến sau và họ sẽ hứng chịu hầu hết rủi ro do những “đại gia” và những người đến trước chuyển sang “hầu bao” của họ” (!?).

Trong tuần qua, tại sàn Tp.HCM, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 51,22 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tổng trị giá đạt 5.869 tỷ đồng. Những chứng khoán có số lượng giao dịch khớp lệnh nhiều nhất trong tuần gồm: STB đạt 5,699 triệu cổ phiếu, trị giá 626,15 tỷ đồng, PPC với 4,52 triệu cổ phiếu, trị giá 433,11 tỷ đồng, PRUBF1 đạt 2,88 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 41 tỷ đồng, VF1 đạt 2,535 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 111,36 tỷ đồng và VSH có 2,133 cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá 182,5 tỷ đồng.

Phiên 2/3, giao dịch khớp lệnh cổ phiếu trên sàn Tp.HCM đạt tới 1.576 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so phiên trước, các phiên đầu tuần giao dịch khớp lệnh cổ phiếu đều đạt mức cao, từ 1.100 tỷ đến 1.300 tỷ đồng/phiên. Điều này cho thấy giao dịch cổ phiếu trong những phiên tới sẽ tiếp tục tăng và diễn ra sôi động hơn trước.

Thất thường, những vẫn trong xu hướng tăng

Cung cầu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong tuần qua diễn biến rất thất thường nhưng vẫn trong xu hướng tăng so với trước Tết Đinh Hợi. Tổng lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên tới 92,08 triệu chứng khoán, đặt bán đạt 75,43 triệu chứng khoán, cầu vẫn cao hơn cung 16,65 triệu chứng khoán.

Phiên đầu năm mới diễn ra hết sức sôi động, chủ yếu do nhiều nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài đặt mua rất nhiều cổ phiếu để lấy “lộc” mở hàng đầu năm mới, hơn nữa, ngày 10 âm lịch được nhiều nhà đầu tư cho là ngày tốt trong năm Đinh Hợi.

Tổng khối lượng đặt mua phiên đầu năm mới rất cao, lên tới gần 20 triệu chứng khoán trong khi đặt bán chỉ có 9,6 triệu chứng khoán, cầu vượt cung đạt mức kỷ lục là 10,37 triệu chứng khoán. Điều này đã làm cho thị trường đạt mức kỷ lục về tăng giá, vào giờ đóng cửa, không có cổ phiếu nào giảm giá, 103 cổ phiếu tăng giá, trong đó 85 cổ phiếu, kể cả chất lượng cao lẫn chất lượng thấp đều tăng đụng trần, VN-Index tăng 45,77 điểm, cao nhất từ trước đến nay.

Phiên ngày thứ Ba, lượng cầu tiếp tục tăng mạnh, lên 22 triệu chứng khoán, lượng cung cũng tăng gần 3 triệu chứng khoán, lên 12,36 triệu chứng khoán, cầu cao hơn cung 9,6 triệu chứng khoán, VN-Index tiếp tục tăng mạnh, tăng 38,34 điểm và giá hàng loạt cổ phiếu (78 cổ phiếu) tiếp tục tăng đụng trần.

Phiên thứ tư (28/2), cung cầu bắt đầu đảo chiều, lượng đặt bán tăng vọt lên 23,34 triệu chứng khoán, tăng hơn 10 triệu chứng khoán so phiên trước trong khi lượng đặt mua giảm 5 triệu chứng khoán làm cho cung cao hơn cầu gần 6 triệu cổ phiếu. Phiên thứ năm, cung cầu tương đối cân bằng nhưng cung vẫn cao hơn cầu gần nửa triệu chứng khoán.

Phiên cuối tuần, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho cung cầu lại đảo ngược, cầu cao hơn cung 3,1 triệu chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài đột ngột tăng mạnh lượng mua vào, họ mua khớp lệnh 2,113 triệu chứng khoán, trị giá gần 400 tỷ đồng, bán ra chỉ có 778.000 chứng khoán, trị giá 98 tỷ đồng, họ còn mua thỏa thuận 5,1 triệu cổ phiếu, trị giá 366 tỷ đồng.

Một nhà đầu tư lâu niên tại sàn Tp.HCM nhận xét: “Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài những phiên đầu năm “xoay như chong chóng”, không biết đâu mà lần, phiên 1/3, họ bất thần bán ra rất nhiều cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, vượt lượng mua vào tới 395.000 chứng khoán nhưng ngay hôm sau (2/3) họ lại đột ngột tăng mạnh mua vào và giảm mạnh lượng bán ra, họ đang khuynh đảo giá thị trường để kiếm lời ngắn hạn”.

Tuy nhiên, trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào nhiều hơn bán ra, họ mua khớp lệnh tổng cộng 11,91 triệu chứng khoán, trị giá 2.042 tỷ đồng và bán khớp lệnh 7,816 triệu chứng khoán, trị giá 1.140 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của nhà ĐTNN chiếm khoảng 52% trị giá giao dịch toàn thị trường.

Hai thông tin mới sẽ được các nhà đầu tư tiếp nhận trong phiên giao dịch thứ hai đầu tuần (5/3): Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông (SACOM) đầu tư vào Công ty PCH-Campuchia. Tổng vốn góp của phía Việt Nam vào công ty này là 7,9 triệu USD, tương đương 49%, trong đó SACOM góp 30%, tương đương 4,9 triệu USD.

Thông tin thứ hai là Công ty Cổ phần Giấy Viễn Đông vừa quyết định giao cho Hội đồng Quản trị xem xét quyết định phát hành quyền mua cổ phiếu để thu hút nhân tài, giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, số lượng phát hành 297.460 cổ phiếu.

Giấy Viễn Đông cũng sẽ phát hành quyền mua cho các đơn vị, tổ chức chiến lược của công ty với giá thấp hơn thị giá 30%, số lượng phát hành là 600.000 cổ phiếu và chi trả cổ tức năm 2006 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%/vốn cổ phần, đồng thời phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, số lượng phát hành là 9.301.270 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Hải Bằng
VnEconomy