1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giành nhau “miếng bánh” thị trường sữa

Theo số liệu ước tính của Nutifood, năm 2005 Việt Nam đã chi tiêu khoảng 11.700 tỉ đồng sữa các loại. Các nhà kinh doanh đã thành công khi đánh vào tâm lý uống sữa sẽ thông minh, khoẻ mạnh của các bậc phụ huynh khiến sân chơi này đang mang lại nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Miếng ngon đang trong tay nước ngoài

Gia đình chị Kim Anh ngụ ở Q. Tân Bình (TPHCM) có tổng thu nhập chỉ 3 triệu đồng/tháng, nhưng chi đến 1 triệu đồng để mua sữa cho 3 đứa con. Tuy vậy theo Bộ Công nghiệp, người Việt Nam dùng khoảng 7-8 lít sữa/năm, còn rất thấp so với người Nhật: 44 lít/năm, Singapore: 33 lít/năm và Thái Lan 15 lít/năm.

Nghiên cứu của ACNielsen tại các thành phố lớn tiêu thụ sữa mạnh trong năm qua đã cho thấy ngành hàng sữa bột tiếp tục tăng trưởng 6% về số lượng, nhưng doanh số tăng đến 20%, do hầu hết các nhà sản xuất đều tăng giá bán và tung ra nhiều sản phẩm cải tiến. Trong đó sữa cho trẻ em tăng đến 18% số lượng và 30% doanh số.

Cơ cấu tiêu dùng sữa đang có nhiều thay đổi. Năm 2002, sữa bột chiếm khoảng 25%/tổng khối lượng sữa tiêu thụ (nhưng doanh số gần gấp đôi sữa nước) thì hiện nay chỉ còn 21%; và sữa nước gồm các loại sữa dinh dưỡng, tiệt trùng, yaourt, sữa trái cây...đang tăng mạnh.

Đáng chú ý là sản lượng sữa của Vinamilk và Nutifood đang dẫn đầu ngành sữa, nhưng sữa bột của Abbott (Mỹ) dẫn đầu về doanh số tại thị trường VN do giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm nội địa. Nếu tính giá trung bình của thị trường năm 2005, giá sữa khoảng 122đ/gam thì giá sữa Abbott lên đến 222đ/gam so với Nutifood chỉ 77đ/gam và Vinamilk 89đ/gam.

Tính thành phần ghi trên nhãn thì sữa bột hàng ngoại nhập và hàng nội không khác nhau nhiều, nhưng sản phẩm của Enfa, Abbott, Mead Johnson vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì có thương hiệu lâu năm, và đáng chú ý nhất là cách làm thị trường chuyên nghiệp và bài bản của họ.

Phương thức chiếm thị phần

Theo số liệu thống kê của AC Nielsen, 3 nhãn hiệu sữa bột có doanh thu hàng đầu trên thị trường hiện nay là Abbott, Dutch Lady và Vinamilk.

Đa dạng hóa sản phẩm để chiếm thị phần là chiến lược chung của Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady và Vinamilk; thể hiện bằng cách tung ra những nhãn hiệu cải tiến hoặc nhắm đến độ tuổi mới với giá cao hơn. Hiện Dutch Lady, Vinamilk có trên 100 nhãn khác nhau; Nutifood, Mead johnson… có ít loại sản phẩm nên khó cạnh tranh.

Dutch Lady vượt lên khi tung sản phẩm mới Cô gái Hà Lan 123 và 456 với công thức 3 tác dụng, đồng thời đẩy sức mua với các chương trình khuyến mãi lớn và liên tục tổ chức các sự kiện từ siêu thị đến liên kết với Bộ Giáo dục và đào tạo, thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Ông Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại công ty Nutifood đánh giá: “Những năm trước, Vinamilk đứng ở vị trí thấp hơn, nhưng từ năm 2003 công ty liên tục tung ra những sản phẩm mới, cải tiến, và năm 2004- 2005 tiếp tục đẩy mạnh quảng bá cho dòng sản phẩm sữa Dielac chạy theo xu hướng thời đại như phát triển trí não, chiều cao…nên vươn lên vị trí thứ 3.”

Mead Johnson đánh mất vị trí hàng đầu khi thay đổi nhà phân phối và bị các thông tin nhiễu làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.

Sự khẳng định vị trí công ty có doanh thu cao nhất của Abbott là kết quả của chiến lược xâm nhập mạng phân phối thành công và hiệu quả, đạt tăng trưởng nhanh nhất: 25% về sản lượng... Điều đáng chú ý ở đây, tuy là nhà sản xuất sữa giá cao, chỉ bán ở các cửa hàng chuyên hoặc siêu thị nhưng Abbott lại tiên phong trong việc đưa sản phẩm vào bán kênh cửa hàng tạp hoá vốn là kênh của những nhãn hiệu giá trung bình... Gần 45% lượng sữa Abbott bán ra là qua kênh này.

Cơ hội phát triển

Công thức kinh doanh sữa được những nhà kinh doanh tổng kết: doanh nghiệp + kênh phân phối + marketing. Mỗi nhãn hiệu đều nỗ lực quảng cáo công thức riêng với những dưỡng chất đặc biệt.

Trong thực tế do qui trình sản xuất đòi hỏi những thiết bị rất đắt tiền mà Việt Nam chưa trang bị đủ nên các công ty đang có 2 cách sản xuất: loại sữa giá trung bình - thường mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp nước ngoài về pha trộn thêm các chất bổ sung tùy chức năng; hoặc loại sữa giá cao - đặt mua nguyên liệu đã pha trộn sẵn từ nhà cung cấp, đem về đóng gói và phân phối.

Bà Dương Thiên Kim, giám đốc ngành hàng sữa và bột, công ty Vinamilk cho biết xu thế đang áp đảo các chủng loại sữa là 5 lợi ích: phát triển trí não, phát triển chiều cao, phát triển thị giác, tăng sức đề kháng, củng cố hệ tiêu hóa. Milmax, nhãn hiệu sữa mới vừa tham gia thị trường đang tạo nét mới hơn bằng chiêu thức “hấp thu tốt” với men Bifidus.

Báo cáo tổng kết thị trường Việt Nam của một công ty sữa đa quốc gia nêu rõ: GDP Việt Nam tăng khoảng 8%/năm và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn khoảng trên 20%. Sân chơi của doanh nghiệp kinh doanh sữa nằm ở khả năng mua sắm ngày càng lớn của người tiêu dùng và các khoản ngân sách quốc gia dành cho chiến lược phòng chống, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ còn 15 đến dưới 20% trong vòng 10 năm tới.

Trong 3 tháng đầu năm nay, có 4 công ty kinh doanh sữa mới ra đời. Dự kiến cả năm 2006 sẽ có khoảng 10 đơn vị mới tham gia thị trường và sau năm 2007 sẽ có hàng loạt nhà máy sản xuất sữa mới của Vinamilk ở các tỉnh thành. Tất cả hứa hẹn cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.

Theo Bích Nga
Báo SGTT