1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giảm thuế xăng dầu: Doanh nghiệp kêu "bất lợi"

(Dân trí) - Với phương pháp tính thuế bình quân gia quyền xăng dầu mới, trong khi người tiêu dùng có thể được lợi hơn nhờ giá giảm đôi chút nhưng một số doanh nghiệp cho biết đang “chịu thiệt” và gặp nhiều "bất lợi".

Tính thêm nguồn nhập từ Dung Quất. mức thuế suất xăng dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tính thêm nguồn nhập từ Dung Quất. mức thuế suất xăng dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Như Dân trí đưa tin, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20/10 vừa qua, thuế bình quân gia quyền với xăng được điều chỉnh giảm về 8,56%, dầu diesel còn 2,15% do tính thêm cả lượng xăng dầu nhập trong nước mà cụ thể là từ nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Có lợi cho "ông lớn", bất lợi cho "ông nhỏ"?

Hiện tại doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang nhập khẩu từ các thị trường như Hàn Quốc với thuế suất 10%, từ các nước ASEAN và một số nước khác với thuế suất 20%. Và với cách tính mới, mức thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở giảm xuống giúp người tiêu dùng có lợi hơn đôi chút.

Tuy nhiên, khi cách tính thuế mới này được áp dụng, một số doanh nghiệp cho biết đang “chịu thiệt” và gặp nhiều "bất lợi".

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cho hay: “Hiện doanh nghiệp đang nhập khẩu ở mức 10% là thấp nhất nhưng giá cơ sở lại chỉ tính thuế dưới 10% thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khi người tiêu dùng hưởng lợi. Để cân bằng, Bộ Tài chính có thể sẽ phải tính tới phương án cho tăng phụ phí lên để bù cho khoản chênh lệch trong cách tính thuế, kỳ vọng sẽ áp dụng từ đầu năm 2018”.

Vị này cũng cho biết thêm rằng: “Doanh nghiệp xăng dầu trong nước hiện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ thị trường ASEAN, còn nhập khẩu từ Hàn Quốc thuế suất thấp nhưng cũng không có nhiều. Trong trường hợp mà doanh nghiệp nhập không được, thiếu nguồn xăng thì cơ quan quản lý phải lo chỉnh thuế chứ doanh nghiệp sẽ không chịu lỗ được suốt”.

Chia sẻ với báo chí, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, mức thiệt hại của mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau, phụ thuộc vào nguồn cung của doanh nghiệp đó, thậm chí vẫn có doanh nghiệp hưởng lợi nếu nguồn nhập chính từ thị trường trong nước như Dung Quất. Tuy nhiên, nhìn chung cách tính này sẽ "làm lợi" cho các "ông lớn" trong khi doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt hại hơn do khó tiếp cận hơn với những thị trường có mức thuế thấp.

Nguy cơ "đứt" nguồn cung không lớn

Trước đó, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có một số ý kiến cho rằng với mức thuế bình quân gia quyền là 8,56%, thấp hơn mức thấp nhất nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể dẫn đến nguy cơ đứt nguồn cung.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để kịp thời điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Cho rằng nguy cơ đứt nguồn cung sẽ không quá lớn nhưng ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách tính thuế như thế hiện nay là quá phức tạp khi phải bóc tách số liệu từ nhiều nguồn.

"Sau Dung Quất, tới đây, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại thì sẽ lại càng thêm phức tạp", ông Ruệ cho biết.

Để cân bằng lợi ích, ông Ruệ cho rằng, cần phải xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi - tức là bằng với thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, lấy đó là mức thuế để tính giá cơ sở.

Xa hơn nữa, ông Ruệ đề xuất bỏ giá cơ sở, chỉ ra khung giá cho doanh nghiệp tham khảo thôi, không thể lấy giá cơ sở áp đặt cho giá bán lẻ nhằm đảm bảo tính minh bạch trong khi người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có lợi”.

Phương Dung