Giảm mạnh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Ngày 25/12, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn tất dự thảo quyết định ban hành danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện cam kết trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc.
Theo đó, từ tháng 1/2007, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này với mức giảm đáng kể như: các loại bia, rượu vang, xe môtô phân khối lớn, xe máy scooter, bánh kẹo, các sản phẩm da, đồ điện dân dụng...
Không giống như khi gia nhập WTO, khi tham gia các FTA, Việt Nam phải tự do hoá - giảm thuế nhập khẩu xuống 0% với đại đa số mặt hàng. Tính đến năm 2006, về cơ bản ta đã hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm thuế nhập khẩu trong AFTA, cụ thể là đã có tới 96% tổng số dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu đã có mức thuế suất từ 0-5%. Mức thuế suất bình quân CEPT/AFTA năm 2006 là 4,7% so với mức thuế suất bình quân MFN là 17,4%.
Tuy nhiên, chỉ những mặt hàng có hàm lượng ASEAN từ 40% trở lên thì mới được hưởng những ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu trong AFTA.
Hạ 9.500 dòng thuế, giảm buôn lậu Việt – Trung
Đối với thuế suất áp dụng cho hàng hoá trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (thuế suất ACFTA), phạm vi cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% chiếm 90% tổng biểu thuế nhập khẩu trong khoảng thời gian từ 2005-2015, với lộ trình giảm thuế được quy định cụ thể cho từng năm.
Đối với 10% tổng số các dòng thuế còn lại bao gồm những mặt hàng được cho là nhạy cảm đối với nền kinh tế trong nước, được phép bảo hộ với mức độ cao hơn và trong thời gian dài hơn.
Những mặt hàng nhạy cảm này sẽ phải cắt giảm thuế xuống một mức độ nhất định (lớn hơn 0%) vào các năm 2015 và 2018 gồm các nhóm mặt hàng: trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm điện tử, điện lạnh, giấy...
Cụ thể, từ năm 2007, mức cắt giảm lớn nhất sẽ là với những dòng thuế hiện đang có mức thuế MFN cao từ 60% trở lên phải cắt giảm xuống mức 40%, gồm các loại bia và rượu vang, quần áo cũ, xe môtô phân khối lớn, xe tự đổ có tải tối đa không quá 10 tấn.
Bước cắt giảm lớn thứ hai sẽ là các dòng thuế có mức thuế suất MFN hiện hành là 50% phải cắt giảm xuống mức 35% gồm: một số sản phẩm chè, cà phê, nước khoáng có ga.... Có khoảng gần 300 mặt hàng sẽ có thuế suất ACFTA thấp hơn 10% so với mức MFN hiện hành gồm: gạo, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, các sản phẩm nhựa dùng trong xây lắp và cho văn phòng, các sản phẩm da, các đồ điện dân dụng, một số dòng xe tải - xe van - xe pickup và phụ tùng, xe máy scooter các loại...
Nguyên tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi theo ACFTA là hàng hoá phải đảm bảo có hàm lượng ASEAN và Trung Quốc lớn hơn 40%.
Bắt đầu thực hiện mậu dịch tự do với Hàn Quốc
Hàn Quốc là một đối tác thương mại lớn với ASEAN, đặc biệt là đối với Việt Nam. Về cơ bản, mô hình khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) tương tự như của ACFTA.
Theo đó, Việt Nam có khoảng 90% tổng số dòng thuế có nghĩa vụ cắt giảm thuế xuống 0% trong giai đoạn 2007-2016 (chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam của năm 2004). Số dòng thuế còn lại sẽ có lộ trình cắt giảm thuế linh hoạt hơn, thậm chí được phép duy trì mức thuế suất cao đối với một số rất ít các mặt hàng.
Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực hiện AKFTA với gần 9.000 mặt hàng nhập khẩu được cắt giảm thuế. Mức cắt giảm thuế năm 2007 không lớn và chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng gạch lát nền, dầu thực vật, bánh kẹo, đồ gia vị, nước xốt, nồi hơi... song thuế suất AKFTA sẽ cắt giảm mạnh vào các năm sau. Phía Hàn Quốc sẽ xoá bỏ thuế quan (thuế suất 0%) cho 70% số mặt hàng nhập khẩu vào Hàn Quốc ngay từ đầu năm 2007, và xoá bỏ 100% mặt hàng vào năm 2010.
Để giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc, trong năm 2007, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế công bố danh mục và mức thuế suất AKFTA của Hàn Quốc.
Bên cạnh các FTA chúng ta đã và bắt đầu tham gia nêu trên, hiện nay Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán khu vực mậu dịch tự do với 3 đối tác khác của ASEAN là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Đa số những nước này là đối tác kinh tế lớn hoặc tiềm năng của Việt Nam. Nếu tiến trình đàm phán diễn ra theo đúng kế hoạch thì các FTA sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2007-2008.
Theo đó, về cơ bản Việt Nam sẽ có nghĩa vụ giảm thuế nhập khẩu xuống 0% của khoảng 90% tổng số biểu thuế vào năm từ 2016-2018 (tương đương với 80-85% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các nước đối tác) và 10% số dòng thuế còn lại sẽ phải cắt giảm xuống một ngưỡng quy định (lớn hơn 0%).
Theo Duy Linh
VnEconomy