Giảm lãi suất tiền vay, ngân hàng kêu "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Sau phiên họp đồng thuận giảm lãi suất tiền vay, hiện mới chỉ có khoảng 10 ngân hàng công bố giảm.
Agribank quyết định giảm thêm 5.500 tỷ đồng lãi suất tiền vay đối với khách hàng hiện hữu. Tính chung cả năm nay, tổn thất thu nhập từ lãi là 6.500 tỷ đồng, cộng với 3.500 tỷ đồng miễn phí dịch vụ, Agribank "bốc hơi" 10.000 tỷ đồng thu nhập.
Với Vietcombank, sau phiên họp đồng thuận ngày 12/7, Hội đồng quản trị và ban điều hành quyết định giảm 4.000 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm đã giảm 2.100 tỷ đồng, cộng cả năm ngân hàng này giảm 6.100 tỷ đồng thu nhập từ lãi.
Với BIDV, mức giảm nói trên trong cả năm lên tới 6.100 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm giảm 2.500 tỷ đồng và sau đồng thuận hôm 12/7 ngân hàng quyết định giảm thêm 3.600 tỷ đồng, bao gồm 2.000 tỷ đồng với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng với dư nợ cho vay mới.
Còn tại VietinBank, mức giảm thu nhập cộng cả phí và lãi trong cả năm nay ước hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm là 4.000 tỷ đồng, nửa cuối năm 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau một tuần kể từ khi họp đồng thuận, chỉ có 4 ngân hàng công bố con số giảm ước tính như trên.
Một số ngân hàng công bố mức giảm lãi suất sau phiên họp đồng thuận nhưng cũng chỉ đề cập "sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12 là 1% tổng danh mục cho vay VNĐ", hay như "với đối tượng cơ cấu nợ của Thông tư 01, 03 giảm lãi suất 1,5%/năm, giảm tiếp 50% số tiền lãi phải thu đến thời điểm hiện tại, tương đương mức lãi suất vay 3% - 4%/năm".
Trước đó, tại cuộc họp ngày 12/7, một số ý kiến cho biết, để giảm lãi suất, các ngân hàng cũng sẽ phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng Giám đốc TPBank, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, quốc gia rất cần "một người khỏe" và đó là ngân hàng, nếu ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu. Dù vậy, các ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Đại diện LienVietPostBank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Sacombank - cũng cho rằng, giảm lãi suất bao nhiêu % là hợp lý. Với tổng dư nợ của Sacombank đang vào khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. "Với mức lớn như vậy, liệu cổ đông có chấp nhận không?" - ông Phan Đình Tuệ nêu vấn đề.
Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Tuệ cho biết Sacombank cũng sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên, sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn. "Sacombank có khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang kinh doanh rất có lãi. Những khách hàng như vậy không nên hỗ trợ lãi suất" - ông Phan Đình Tuệ nói.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh khả năng cầm cự của doanh nghiệp ngày càng yếu đi do những khó khăn từ dịch bệnh, động thái giảm lãi suất rất có ý nghĩa. Bởi nếu không có tín dụng, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời.
Chuyên gia nhấn mạnh tới yếu tố "thực chất" trong việc giảm lãi suất, ngân hàng cần công khai số tiền giảm nhưng cũng lưu ý, không nên giảm lãi suất cào bằng cho tất cả các đối tượng, vì mức độ tác động dịch bệnh đến tình hình kinh doanh cũng như khả năng phục hồi của doanh nghiệp tại các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau.
Ngoài giảm lãi suất cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng nên có giải pháp đồng bộ để giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua đại dịch như: Hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế...