1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giám đốc chống Bộ phát hành trái phiếu... trái luật

(Dân trí) - Nợ xấu hơn 12 tỉ đồng, thủ tục quyết toán vốn để chuyển thành công ty cổ phần chưa hoàn tất nhưng ông Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Lâm sản Hà Nội vẫn cho phát hành trái phiếu, bất chấp sự phản đối của Bộ NN&PTNT và UBCK Nhà nước.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Thương mại Lâm sản Hà Nội (tên giao dịch là Vinafor Hà Nội) là một công ty con thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor Vietnam).

Vinafor Hà Nội được cổ phần hóa từ ngày 1/1/2005, với số vốn Nhà nước là 900 triệu đồng, chiếm 30% tổng số vốn điều lệ của công ty.

Tuy nhiên, cho đến lúc này thủ tục quyết toán vốn lần 2 vẫn chưa hoàn thành (đồng nghĩa với việc công ty chưa được cổ phần hóa) do số nợ xấu của đơn vị này lên tới trên 12 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ. Khoản nợ này Vinafor Hà Nội kế thừa từ đơn vị trước cổ phần hóa, từ khoảng năm 2001 đến nay.

Theo tìm hiểu Dân trí, hiện Vinafor Hà Nội sở hữu gần 2.000 m2 đất mặt tiền ở trung tâm Hà Nội, hàng nghìn m2 nhà xưởng ở cả Hà Nội và TPHCM cùng rất nhiều công trình, tài sản giá trị.

 

Theo bà Hằng “giá trị kinh tế của khối lượng tài sản và lợi thế kinh doanh của đơn vị phải gấp hàng nghìn lần” số vốn điều lệ 3 tỷ đồng theo định giá khi cổ phần hóa”.

Mặc dù số nợ xấu này phía Vinafor Hà Nội vẫn chưa trả được nhưng trong ĐH cổ đông ngày 18/3/2007, ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty đã quyết định phát hành trái phiếu chuyển đổi với khối lượng 50.000 trái phiếu, tương đương 5 tỷ đồng.

Số trái phiếu này, sau tối đa 2 năm sẽ được chuyển thành cổ phiếu, với tỷ lệ 1/1.

Nghiêm trọng hơn, việc phát hành trái phiếu của Công ty đã vi phạm tính bình đẳng và công bằng trong quy định phát hành trái phiếu chuyển đổi (theo đó các cổ đông phải được mua số trái phiếu theo tỷ lệ vốn sở hữu hiện có). Các cổ đông hiện hữu của Vinafor Hà Nội chỉ được mua 20% số trái phiếu phát hành, số còn lại được bán cho HĐQT và một số “đối tác chiến lược” (?!).

Trao đổi với Dân trí, bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Vinafor Việt Nam bức xúc: “Rõ ràng Vinafor Hà Nội chưa đủ điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi theo quy định của luật. Hơn nữa, ông Thắng đã không tuân thủ nguyên tắc, làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn và dành số trái phiếu quá lớn cho các nhà đầu tư ngoài”.

“Ông Thắng cho rằng đó là các đối tác chiến lược của công ty nhưng không tiết lộ danh tính và không nói rõ đối tác đó gắn với chiến lược gì” - bà Hằng cho biết thêm.

Sau khi trái phiếu được phát hành, tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước sẽ giảm từ 30% xuống chỉ còn 11% (900 triệu trong tổng số 8 tỉ đồng vốn điều lệ), như vậy tất yếu tiếng nói của Nhà nước trong Vinafor Hà Nội sẽ giảm. Đồng nghĩa với việc số tài sản khổng lồ sẽ chui vào túi một nhóm người, trong đó có những người mà bà Hằng cho rằng là “sân sau” của ông Thắng.

Bộ chỉ đạo nhưng vẫn “phớt lờ”

Không đồng tình với việc làm của ông Thắng nói riêng và Vinafor Hà Nội nói chung, ngày 22/3/2007, Vinafor Việt Nam đã có công văn số 85 HĐQT/KTTC/CV xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc phát hành trái phiếu của Vinafor Hà Nội.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Vinafor Việt Nam Trần Đức Sinh nêu rõ 2 vấn đề nổi cộm trong chủ trương phát hành trái phiếu là: chưa quyết toán được vốn lần 2 do nợ xấu và việc phát hành làm thay đổi cơ cấu vốn Nhà nước trong Vinafor Hà Nội.

Trả lời công văn số 85, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 1751 BNN - ĐMDN (ngày 30/3/2007) gửi Vinafor Việt Nam và Vinafor Hà Nội yêu cầu Vinafor Hà Nội phải hoàn tất việc quyết toán vốn lần 2 để thực hiện xong thủ tục cổ phần hóa trước khi phát hành trái phiếu.

Vinafor Việt Nam cũng đã có công văn số 106 CV/HĐTQ/ĐTTC (ngày 6/4/2007) yêu cầu Vinafor Hà Nội ngừng việc phát hành trái phiếu cũng vì lý do trên. Tuy nhiên, Vinafor Hà Nội và cá nhân ông Thắng đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ.

Tiếp đó Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tiếp tục ra công văn số 982 BNN-ĐMDN ngày 9/4/2007 phê bình Vinafor Hà Nội “thực hiện không nghiêm nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT” và yêu cầu Vinafor Việt Nam, Vinafor Hà Nội nghiêm túc thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ xác định giá doanh nghiệp lần 2 trước ngày 30/4/2007.

“Thượng lệnh” đã ban, không hiểu vì lý do gì Vinafor Hà Nội vẫn cứ phớt lờ đồng thời tiếp tục phát hành trái phiếu, bất chấp khoản nợ xấu 12 tỉ đồng và chưa quyết toán lần 2.

Ngày 23/11/2007, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng có công văn số 1089/UBCK-PC. Nội dung công văn nêu rõ: “Đến nay Công ty CP Thương mại Lâm sản Hà Nội đã thực hiện không nghiêm nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Công ty còn kế thừa 12.047.130.000 đồng nợ tồn đọng từ DNNN chuyển sang chưa trả được và vẫn thực hiện việc phát hành cổ phiếu chuyển đổi”.

Đồng thời UBCK Nhà nước khẳng định việc Vinafor Hà Nội phát hành cho hơn 100 nhà đầu tư mà không đăng ký chào bán với UBCK Nhà nước là vi phạm luật chứng khoán.

Quá bức xúc trước việc làm sai trái của Vinafor Hà Nội, ngày 13/12/2007 các cổ đông sáng lập và các cổ đông khác (đang sở hữu 35,72% vốn điều lệ đã phát đơn khởi kiện ông Phạm Mạnh Thắng lên Tòa kinh tế - TAND TP Hà Nội đề nghị xem xét hủy đợt phát hành trái phiếu của Vinafor Hà Nội.

Mới đây ngày 28/5, Bộ NN&PTNT có công văn 1477/BNN-ĐMDN đề nghị TAND TP Hà Nội sớm thụ lý và đưa vụ án ra xét xử. Được biết ngày 4/6 tới TAND TPHN sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện này.

Tuấn Hợp - Hồng Kỹ