1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm chi tiêu, chi ngân sách vẫn tăng

Tổng chi ngân sách nhà nước vẫn tăng cao trong năm 2008 bất chấp những cam kết trước đó của Chính phủ cắt giảm hai khoản chi tiêu công quan trọng nhất là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo mới công bố của tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2008 tăng tới 22,3% so với năm 2007 và bằng 118,9% dự toán năm. Trong số đó, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên vượt dự toán tương ứng ở mức 118,3% và 113,3%.
 
Giảm chi tiêu, chi ngân sách vẫn tăng - 1
Tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách nhà nước để góp
phần giảm lạm phát.

Nói giảm, nhưng chi vẫn tăng

Các số này được Bộ Tài chính cụ thể hoá như sau: tổng chi ngân sách nhà nước là 398.980 tỉ đồng, chi đầu tư phát triển 99.730 tỉ đồng, và chi thường xuyên 237.250 tỉ đồng trong năm 2008.

Sự gia tăng trong khoản chi cơ bản của ngân sách nhà nước vừa công bố này cho thấy mâu thuẫn với những cam kết cắt giảm chi tiêu công trước đó.

Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2008 Nhà nước đã cam kết cắt giảm 2.700 tỉ đồng chi thường xuyên (bao gồm quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảng…), và 5.992 tỉ đồng (tương ứng 8% kế hoạch năm) chi cho đầu tư phát triển (bao gồm các công trình cơ sở hạ tầng…).

Hai khoản cắt giảm trong chi tiêu công nêu trên được các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các tỉnh cam kết thực hiện vào tháng 7 vừa qua nhằm kiềm chế lạm phát.

Vì sao?

TS Trần Đình Thiên, quyền viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam giải thích: “Nhà nước không cắt giảm là chắc chắn. Tôi đã nói là các con số đều chứng minh là không cắt gì hồi tháng 10 khi chuẩn bị họp Quốc hội”.

Báo cáo của uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đầu tháng 11 nhận định, tuy đã cam kết ngừng, hoãn tiến độ số tiền 5.992 tỉ đồng cho các dự án phát triển, nhưng số tiền đầu tư thực tế không giảm do toàn bộ kinh phí tiết kiệm được từ việc đình hoãn dự án lại đầu tư sang công trình khác.

Ngoài ra, vẫn theo uỷ ban này, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhưng con số này vẫn tăng 13,3% so với dự toán và 26,6% so với 2007 trong thực tế.

Như vậy, có thể kết luận rằng các cơ quan nhà nước bao gồm các bộ, ngành, địa phương đã không thực hiện cam kết cắt giảm đầu tư công như yêu cầu của Thủ tướng, nhất là khi họ đã được phân cấp chi tiêu ngân sách triệt để.

Trong khi đó, theo tổng cục Thống kê, vốn khu vực nhà nước trong năm 2008 là 184,4 ngàn tỉ đồng, giảm 11,4% so với năm 2007.

Con số này, tuy vậy, lại không tương ứng với cam kết cắt giảm 29.366 tỉ đồng thuộc 1.000 dự án của 15 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Thiên bình luận: “Họ chỉ cắt số tiền trên giấy. Số vốn hơn 39.000 tỉ đồng cam kết cắt giảm đều là các dự án trên giấy và chỉ được thực thi trong tương lai”.

Như vậy, rõ ràng là chính sách tài khoá đã không được thực hiện nghiêm túc như cam kết ban đầu, nhất là trong nhóm tám giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao lạm phát phi mã đã được hoàn toàn kiềm chế - một thành công lớn nhất của năm 2008? Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói: “Toàn bộ gánh nặng chống lạm phát bị chính sách tài khoá dồn vào chính sách tiền tệ”.

Theo ông Tuyển, ba công cụ chính của chính sách tiền tệ thắt chặt gồm nâng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc, và nâng tín phiếu bắt buộc đã gần như làm mất tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hồi giữa năm 2008.

Ông nói: “Kinh tế lạm phát như cơ thể bị cao huyết áp. Hai bệnh đều phải chữa. Muốn chữa cao huyết áp kiểu gì cũng phải để cho máu lưu thông. Có người chưa chết vì huyết áp cao thì đã chết vì tắc mạch máu. Nền kinh tế chống lạm phát thì vẫn phải bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng”.

Ông Thiên đồng ý điểm này, và nhận xét thêm rằng gánh nặng chống lạm phát vừa qua đổ hết lên chính sách tiền tệ, thực ra là đổ lên đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuyển nhận xét, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 43,1% GDP ở mức 6,23% trong năm 2008 cho thấy chỉ số ICOR lên đến 7, một mức rất cao.

“Hệ số ICOR lên đến 7 thì hiệu quả đầu tư của chúng ta đã trở thành đại sự, nhất là trong năm mà chúng ta công bố cắt giảm ba mấy ngàn tỉ đồng. Liệu có ai thực hiện cắt giảm nghiêm túc hay không?”.

Ông Tuyển nói: “Nếu chúng ta không có phản ứng chính sách tốt thì sẽ lúng túng với các biến động hội nhập, thậm chí là rối loạn thị trường, và nguy hiểm hơn ở mức có thể gây ra khủng hoảng”.

Theo Tư Giang
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm