Giải pháp thúc đẩy sự phát triển xe điện

Trường Thịnh

(Dân trí) - Xây dựng lộ trình phát triển có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện… tạo điều kiện cho phương tiện "xanh" lên ngôi.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng chống biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn đến mức phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí tại Việt Nam, do đó để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, các hành động để giảm phát thải từ lĩnh vực giao thông vận tải là rất cần thiết. Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân thì hoạt động thúc đẩy sự phát triển của xe điện cũng được xem là một trong những giải pháp tiềm năng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra.

Một số chính sách đã được ban hành để thúc đẩy sự phát triển xe điện. Từ ngày 1/3/2022 đến ngày 28/2/2027, thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô điện áp dụng cho xe dưới 9 chỗ giảm từ 15% xuống còn 3%. Với chính sách này, thuế suất tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho ô tô điện đã thấp hơn đáng kể so với thuế suất áp dụng cho ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.

Đồng thời, theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022 mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin là 0%. Từ ngày 1/3/2025 đến 28/2/2027, mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin sẽ bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ của xe điện chạy xăng có cùng số chỗ ngồi.

Lý giải về chính sách này, bà Lê Thị Hương - đại diện hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) tại Việt Nam cho biết: "Thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam là cần thiết để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện sẽ có tác động tích cực đến doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Các chính sách này giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá sản phẩm, và người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các dòng xe điện với chi phí tiết kiệm và hợp lý hơn".

Theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới (Worldbank), hoạt động giao thông vận tải đường bộ đóng góp tới 18% lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Hoạt động giao thông vận tải cũng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn TPHCM và Hà Nội, gây ra nhiều ảnh hưởng lên sức khỏe người dân. Do đó, việc thúc đẩy xe điện không những góp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm biến đổi khí hậu đặt ra mà còn góp phần cải thiện sức khỏe của người dân.

Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, có thiết lập một số mục tiêu cụ thể cho sự phát triển xe điện.

Giai đoạn 2022-2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng được coi trọng.

Giải pháp thúc đẩy sự phát triển xe điện - 1
Hệ thống trạm sạc xe điện đang phát triển tại Việt Nam (Ảnh: ICCT)

Theo nghiên cứu của ICCT, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về nhu cầu sử dụng và sản xuất xe điện trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Cơ hội là đáng kể, tuy nhiên để thúc đẩy sự phát triển xe điện trong nước cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu phát triển thị trường này.

ICCT đã đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy sự phát triển xe điện ở thị trường Việt Nam, như: Xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện, cung cấp chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin, xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho xe ô tô và xe máy.