Giải pháp Ổn định Kinh tế, nâng cao năng lực Cạnh tranh doanh nghiệp
(Dân trí) - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức.
Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và DN vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Mức tăng trưởng phát triển DN có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số DN và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,8% về số DN và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30 - 40% so cùng kỳ. Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của khối DN ngoài nhà nước chưa cao là do hạn chế về quy mô, công nghệ, quản trị điều hành DN.
Trong chương trình hội nghị, các chuyên gia chia sẻ quan điểm về những vấn đề: Ổn định nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách Mạng 4.0; Giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; Quản trị rủi ro kinh tế đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; Chuyển đổi số và các nền tảng toàn cầu thay đổi thị trường và khuynh hướng tiêu dùng ; Phát huy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thị trường.
Phát biểu trong Hội nghị, Ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã chỉ ra thực trạng cách mạng 4.0 tác động đến hệ thống tài chính Việt Nam: “Còn khoảng trống lớn trong việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong khi đó chế tài và pháp lý chưa chặt chẽ. An ninh mạng chưa được đảm bảo, thông tin người tiêu dùng bị rò rỉ gây hoang mang…”. Cùng với đó ông cũng đưa ra những giải pháp thiết lập cách mạng công nghiệp 4.0 trong tài chính: “Về phía quản lý nhà nước, tôi yêu cầu xây dựng hoàn thiện chính sách tài chính đối với các mô hình mới, xây dựng hoàn thiện chiến lược, phổ cập công nghệ tới từng bộ phận, tăng cường mở rộng hợp tác chia sẻ thông tin quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, các hộ gia đình thì cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo và thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh và sản phẩm mới theo nguyên tắc: đơn giản hóa, tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đảm bảo an toàn hệ thống”.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Giang – Chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số đã nêu ra nhiều dẫn chứng về việc chuyển đổi mô hình nền tảng số. Nếu nói mô hình nền tảng đã phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh truyền thống thì có thể là hơi quá lời tại thời điểm này nhưng sẽ sớm thành hiện thực mà thôi.
Các đại biểu tham dự hội thảo, các diễn giả trình bày tham luận, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều có nhận định chung, để giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài, liên tục cả hiện tại và tương lai. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.