Giải pháp hậu suy thoái kinh tế: Cạnh tranh
(Dân trí) - Nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững và phát triển thị phần, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh… là giải pháp để khôi phục và phát triển doanh nghiệp hậu suy thoái kinh tế.
Đó là ý kiến của ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển doanh nghiệp hậu suy thoái kinh tế” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/10.
Theo ông Tuyển, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ và năng lực tổ chức thị trường yếu lại thêm nguồn nhân lực chất lượng thấp… vì thế yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp là nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững và phát triển thị phần, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm, các yếu tố chất lượng hàng hóa, độ tin cậy trong việc cung cấp, năng lực tiếp thị và các dịch vụ hậu mãi với cùng một mức chất lượng thì cạnh tranh về giá là cạnh tranh quyết liệt nhất.
Tuy nhiên, ông Tuyển cũng chỉ ra rằng, cạnh tranh không phải là cung cấp cái tốt nhất mà là tạo ra sự khác biệt. Do cái tốt nhất không phải người tiêu dùng nào cũng có thể mua được (tốt nhất thường là nhiều tiền nhất).
Vì vậy, để chiến thắng trong cạnh tranh doanh nghiệp cần phải đánh giá đúng nội lực và vị thế của doanh nghiệp; Chọn đối tượng mà doanh nghiệp hướng tới (người tiêu dùng mục tiêu, khách hàng tiềm năng); Phân tích các nhà cung cấp cùng có khách hàng mục tiêu giống mình và so sánh với chính mình để thấy rõ sự mạnh yếu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát lại những công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh, lập chương trình đổi mới công nghệ và thiết bị nhằm hiện đại hoá quá trình sản xuất…
Khánh Hồng