"Giải pháp của Bộ trưởng Phát còn hiền quá!"
(Dân trí) - "Ngành nông nghiệp, người nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành mình, tôi thấy còn nhẹ quá. Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu chính kiến.
Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời nhiều nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội như: giải pháp mà ngành nông nghiệp đã và sẽ áp dụng để vực dậy ngành chăn nuôi suy giảm do dịch bệnh, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh gay gắt làm cho người sản xuất không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ…
Cụ thể, sau nêu lên thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, người nông dân đang bị lỗ kép khi doanh thu của người nông dân suy giảm nghiêm trọng nhưng chi phí đầu vào, chi phí tiêu dùng của người nông dân vẫn tăng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đặt ra hai câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì, giải pháp mới nhất để giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và giúp cho người nông dân thoát nghèo, yên tâm trên mảnh đất sản xuất, kinh doanh của mình?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Giải pháp quan trọng có tính chất đột phá đối với ngành là triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi được biết là Thủ tướng đã phê duyệt đề án này, chúng tôi đã có bàn bạc, phân công trong Bộ và sắp tới sẽ triển khai trong toàn ngành thực hiện. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết một cách căn cơ những tồn tại của ngành và phát triển có hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Phát nói.
Nhận xét về câu trả lời của Bộ trưởng Phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận: “Bộ trưởng cũng đã lắng nghe các câu hỏi một cách nghiêm túc và trả lời. Tôi có một băn khoăn trong giải pháp của mình, tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá”.
Đại biểu Ngân ví dụ, ở nhiều lĩnh vực như ngành vật liệu xây dựng, ngành bất động sản trong thời gian, các Bộ trưởng, Thứ thưởng của ngành này thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra những yêu cầu đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp hỗ trợ. Còn “ngành nông nghiệp, người nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành mình, tôi thấy còn nhẹ quá. Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể”, đại biểu nêu chính kiến.
Nông dân trồng lúa không thể có lãi 30% như mong đợi
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra thực tế khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải là thị trường. “Lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây cũng rất nhiều, lợn gà cũng rất nhiều, cá tra cũng rất nhiều nhưng chính vì thị trường gặp khó khăn nên giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Phát, trước thực tế này, với lúa gạo, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ cho các doanh nghiệp cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ, qua đó hỗ trợ giữ giá cho nông dân. “Khi Chính phủ vừa mới ban hành chủ trương thì mấy hôm nay, giá lúa của Đồng bằng Sông Cửu long cũng đã nhích lên có nơi 100 - 200 đồng/kg”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Khẳng định với Quốc hội về “thông tin 60 - 70% giống lúa nhập ngoại là không chính xác”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: Các loại giống, cây trồng vật nuôi, về cơ bản chúng ta sản xuất ở trong nước. Với lúa, Việt Nam trồng 7,7 triệu ha lúa một năm (đây là diện tích gieo trồng).
“Trong đó có 700.000 ha lúa lai. Còn 7 triệu ha lúa giống trồng lúa thuần, hầu như chúng ta tự sản xuất và các nhà khoa học chọn tạo ra các giống phù hợp với điều kiện của Việt Nam và nhân ra phổ biến cho nhân dân như ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ở miền Bắc, chúng ta trồng lúa lai, khoảng 70 - 75% giống lúa lai là nhập của Trung Quốc”, Bộ trưởng Phát nói.
Cũng theo Bộ trưởng Phát: “Chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước nghiên cứu để tạo ra những giống lúa lai của Việt Nam. Nhưng thời gian qua, giống lúa lai của chúng ta làm ra có phẩm chất chưa được tốt nên vẫn phải tiếp tục nhập khẩu”.
Cũng theo Bộ trưởng Phát, để nông dân trồng lúa có lãi trên 30% thì giải pháp căn cơ và quyết định nhất vẫn là xuất khẩu. Còn với giá lúa tại ruộng giảm sâu như hiện nay, người nông dân không thể có lãi 30% như mong đợi.
Về phần trăm hưởng lợi qua việc mua tạm trữ lúa gạo, theo tính toán của Bộ trưởng Phát, sẽ giúp doanh nghiệp có lợi khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tác động của nó sẽ khiến giá lúa tăng 100 - 150 đồng/kg. Và chỉ tính riêng số lượng 1 triệu tấn mua tạm trữ cũng đã đem lại cho người nông dân chừng 100 - 150 tỷ đồng.