Giải pháp cho doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái
(Dân trí) - Sáng 27/11 đã diễn ra Diễn đàn phòng, chống, hàng giả, hàng nhái do Trung tâm ứng dụng Công nghệ Khai thác Quyền Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức.
Chương trình với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS)
Hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt các cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…. có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.
Theo như ông Nguyễn Xuân Khương - Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài Chính cho biết: kết quả đến thời điểm hiện tại số vụ việc mà cơ quan Hải quan đã kiểm tra là 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt cuối năm 2019 đã phát hiện một Công ty Cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng. Chứng tỏ rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề nóng cần được quan tâm.
Với tình hình diễn biến trên, có thể nói vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút đầu tư trong nước để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất. "Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử", bà Huyền chia sẻ.
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, sự gia tăng quy mô và mức độ hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết và thi hành các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết và nghĩa vụ về Sở hữu trí tuệ, hoạt động đăng ký và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ được dự báo sẽ ngày càng sôi động. Từ thực tiễn hoạt động của Cục Sở hữu Trí tuệ các đại biểu đều đồng ý đang có sự gia tăng nhanh chóng về tầm quan trọng, giá trị và tỷ trọng của tài sản trí tuệ trong tổng tài sản của doanh nghiệp Việt Nam. Ở các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong tầm nhìn đến năm 2030, thương hiệu và tài sản trí tuệ chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định tương tự như doanh nghiệp ở các nước phát triển.
Diễn đàn đã tạo ra cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay; mang ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào phòng chống hàng giả, hàng nhái, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp.