Giải mã sự "phi mã" của TTCK

Mặc dù đã có nhiều dự đoán về khả năng thị trường sau khi điều chỉnh sâu, giằng co, răng cưa... sẽ phục hồi và đã đến lúc mua vào... nhưng không ai có thể ngờ tới, ngày 6/8 VN-Index còn ở mức "đáy" 883,9 điểm mà đến ngày 3/10 - chỉ sau chưa đầy 2 tháng, đã đạt 1.106,6 điểm, tăng 222,7 điểm (25,2%).

Tốc độ tăng cao gần như thẳng tiến trong thời gian ngắn như trên cũng có thể được coi là "phi mã". Hơn thế nữa, sự "phi mã" này có được thể hiện trên nhiều mặt khác. "Phi mã" ở cả hai sàn, không chỉ ở sàn TPHCM, mà cả ở sàn Hà Nội.

 

Khi chỉ số giá chứng khoán ở đây (HASTC-Index) ngày 22.8 còn ở mức "đáy" 246,47 điểm, nhưng chỉ chưa đến một tháng rưỡi sau đã đạt 345,25 điểm, tăng 98,78 điểm, hay tăng 40,1%, tuy tăng thấp hơn về mức tuyệt đối, nhưng lại tăng cao hơn về tốc độ so với sàn TPHCM!

 

"Phi mã" ở cả hai thị trường là thị trường niêm yết và thị trường OTC trong đó OTC xuất phát muộn hơn và tốc độ có chậm hơn (nhưng khả năng tới đây sẽ dài hơn và cao hơn).

 

"Phi mã" ở cả khối lượng cổ phiếu khớp lệnh, ở cả giá trị giao dịch. Cũng vào ngày 2/10, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh ở sàn TPHCM đạt 17,4 triệu, ở sàn Hà Nội đạt 7,1 triệu; tổng giá trị giao dịch tại sàn TPHCM đạt 1.779 tỉ đồng, ở sàn Hà Nội đạt 771,5 tỉ đồng - đó là những con số kỷ lục từ trước tới nay chưa bao giờ đạt được!

 

Đóng góp vào sự "phi mã" chung của thị trường có sự góp mặt của hầu hết các mã chứng khoán dù lớn, dù nhỏ, dù cũ hay mới, trong đó có những mã còn "phi mã" hơn cả tốc độ chung. Giải mã sự "phi mã" của thị trường chứng khoán, các chuyên gia đã đưa ra bốn nguyên nhân cũng đồng thời là bốn yếu tố chủ yếu tác động.

 

Trước hết là sự khả quan của kinh tế vĩ mô mà biểu hiện chủ yếu là đà tăng trưởng lên cao và khả năng đạt mức cao của mục tiêu do Quốc hội đề ra; là sự tăng tốc của đầu tư nước ngoài ở cả 3 nguồn: nguồn vốn đầu tư trực tiếp, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn vốn đầu tư gián tiếp - đất có lành thì chim mới đậu, trông giỏ bỏ thóc.

 

Thứ hai, tác động của việc hạ mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã góp phần quan trọng để thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi. Các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài với thị phần chiếm gần một phần ba tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã chiếm gần hết "rom" một số mã chứng khoán, đang "mai phục" các đại gia IPO đã tranh thủ giải ngân đẩy mạnh mua vào lớn hơn nhiều so với bán ra.

 

Thứ ba, không thể không có yếu tố tiền tệ, bởi mua ào ạt với tổng giá trị lớn như vậy thì phải có nguồn tiền từ đâu? Theo dự đoán của các chuyên gia, có thể có các nguồn sau đây. Một nguồn quan trọng là từ ngân hàng thương mại.

 

Nguồn này đi ra thị trường chứng khoán bằng hai kênh. Một kênh là từ tiết kiệm (hoặc đáng lẽ gửi tiết kiệm nhưng lại không gửi nữa), do lãi suất tiết kiệm thấp sau khi các ngân hàng thương mại cổ phần cắt giảm.

 

Một kênh có liên quan đến Chỉ thị 03 - theo Chỉ thị 03, các ngân hàng thương mại đã cho vay đầu tư chứng khoán vượt tỷ lệ cho phép phải thu hồi nhưng do chưa đến kỳ hạn trả nên chưa thu hồi được; những ngân hàng thương mại lớn trước đây chưa hoặc cho vay đầu tư chứng khoán chưa vượt quá tỷ lệ khống chế, nay tranh thủ đưa ra cho vay đầu tư chứng khoán.

 

Đó là chưa nói, các nhà đầu tư đã chuyển đổi trong thực tế các khoản vay khác từ ngân hàng sang đầu tư cho chứng khoán. Một nguồn không nhỏ khác được rút từ các kênh đầu tư khác chuyển sang đầu tư cho chứng khoán, trong đó có nguồn đầu tư vào USD khi tỷ giá tăng thấp và gần đây giảm; từ nguồn đầu tư vào bất động sản; nguồn đầu tư vào vàng (khi vàng được giá đã bán ra).

 

Thứ tư là yếu tố tâm lý, tính phong trào của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn nặng. Khi giá chứng khoán xuống thì bán tháo để cắt lỗ hoặc lấy vốn để trả nợ làm cho giá càng xuống; khi giá lên lại ào ào mua vào nên giá càng lên cao.

 

Trong khi đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các đại gia, các nhà đầu tư nước ngoài làm ngược lại: Khi giá xuống thấp thì mua vào, khi giá cao thì bán ra. Cuối cùng hầu như các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt.

 

Các chuyên gia cũng đưa ra một số "kịch bản" diễn biến của chỉ số giá chứng khoán từ nay đến cuối năm.

 

Một, nhìn trong thời gian dài chỉ số giá chứng khoán sẽ tiếp tục tăng. Nếu chu kỳ lặp lại bằng với mức tăng như năm trước thì cuối năm VN-Index sẽ đạt trên dưới 1.200 điểm (tức là tăng khoảng 477 điểm so với đầu năm 2007 hoặc tăng khoảng 352 điểm so với mức "đáy" vào ngày 2.8.2007).

 

Hai, do có yếu tố đầu cơ, yếu tố phong trào, nên diễn biến vẫn xen kẽ các đợt lên xuống theo hình "răng cưa"; có điều là hình cái cưa dốc lên (tức là vẫn có xu hướng tăng).

 

Theo Đào Ngọc Lâm
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm